Những hiểu nhầm tai hại về các hiệp định thương mại tự do
Một trong các hiểu nhầm về các FTA là FTA chỉ có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên một cách gián tiếp, chứ còn bản thân việc hạ hoặc xóa bỏ thuế quan chỉ có tác dụng nâng giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu của Việt Nam và không trực tiếp làm tăng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Việc Việt Nam tích cực hội nhập nền kinh tế thế giới thông qua ký kết hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do với các quốc gia và khu vực (FTA) đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong công luận bởi những lợi ích tiềm năng to lớn mà chúng mang lại cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, cũng không tránh khỏi có một bộ phận vẫn tỏ ý hoài nghi vào những lợi ích này để rồi đòi hỏi phải có sự nhìn nhận lại mục đích và ý nghĩa của việc tiếp tục mở rộng hội nhập.
Điều đáng nói là không ít trường hợp những hoài nghi này xuất phát từ sự hiểu nhầm về bản chất của các FTA.
Một trong những hiểu lầm lớn nhất về TPP là TPP thậm chí có thể làm giảm sút xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên bởi song song với lộ trình giảm dần thuế xuất nhập khẩu về 0%, các quốc gia cũng đồng thời dựng lên các rào cản kỹ thuật (TBT) để xiết chặt hơn hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam về các vấn đề như chất lượng hay giá cả.
Điều này là sai, đơn giản vì các nước thành viên khi muốn dựng lên TBT mới thì phải tuân thủ những quy định chặt chẽ trong các FTA này, chứ không phải muốn dựng lên cái gì thì dựng, muốn dựng lên lúc nào thì dựng.
Ví dụ trong TPP có hẳn một chương, Chương Hàng rào Kỹ thuật trong Thương mại, có những quy định cụ thể liên quan. Mục đích của Chương này là xóa bỏ mọi rào cản kỹ thuật không cần thiết trong thương mại, củng cố minh bạch, và thúc đẩy hợp tác pháp lý và thông lệ pháp lý đúng đắn ở mức độ cao hơn.
Chẳng hạn, để ngăn các nước thành viên lạm dụng TBTkhi bắt buộc nhà nhập khẩu phải có chứng nhận tuân thủ điều kiện kỹ thuật để được nhập khẩu, TPP không cho phép nước sở tại yêu cầu cơ quan cấp chứng nhận tuân thủ này phải có hoạt động kiểm tra chứng nhận này tại nước sở tại, hay phải có văn phòng tại nước sở tại. Thêm nữa, các nước thành viên cũng phải trả lời cho một tổ chức chứng nhận tuân thủ hoạt động trong lãnh thổ nước sở tại rằng tổ chức này có đáp ứng được các điều kiện để cấp chứng nhận tuân thủ mà nước sở tại đặt ra hay không khi tổ chức này có yêu cầu.
Những quy định này ra đời từ thực tế rằng các nước thành viên FTA đã dùng TBT như một rào cản ngăn hàng hóa của nước khác thâm nhập vào lãnh thổ của mình bằng việc yêu cầu nhà nhập khẩu phải có giấy chứng nhận tuân thủ điều kiện kỹ thuật, nhưng giấy chứng nhận này lại phải do cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên cấp, và vì thế nhiều lúc bị các cơ quan này làm khó, chậm trễ hoặc từ chối cấp phép, làm họ không nhập khẩu hàng hóa vào nước sở tại được. Với những quy định trong TPP có liên quan, nhà nhập khẩu có thể dùng giấy chứng nhận do một tổ chức được phép cấp chứng nhận ở nước ngoài để được chứng nhận rằng đã đáp ứng yêu cầu về tuân thủ kỹ thuật do nước sở tại đặt ra, và do đó không còn bị TBT làm khó dễ như trước đây.
Hiểu nhầm thứ hai về các FTA là gần đây có hàng loạt vụ việc về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị trả lại và đây được coi là một bằng chứng rõ ràng cho thấy nguy cơ cao rằng các nước thành viên FTA có nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tích cực lạm dụng TBT như là một biện pháp ngăn chặn hữu hiệu sự xâm nhập của hàng hóa từ Việt Nam khi các FTA ký kết giữa họ với Việt Nam có hiệu lực, dẫn đến giảm hoặc xóa bỏ thuế quan nhập khẩu từ Việt Nam, làm cho nhập khẩu từ Việt Nam có xu hướng tăng lên tác động tiêu cực đến sản xuất nội địa của họ.
Như đã nói, thông thường các FTA có các điều khoản quy định chặt chẽ về áp dụng TBT, ngăn ngừa các nước thành viên lạm dụng TBT để cản trở xuất khẩu của các nước thành viên khác vào lãnh thổ của mình. Bởi vậy, và thực tế là các vụ việc trả về hàng nhập khẩu từ Việt Nam chủ yếu là kết quả của các TBT hiện thời đang có hiệu lực, chứ không phải là TBT mới, được dựng lên sau này.
Hầu như bất kể vụ việc nào đều rành rành có lỗi cố ý, gian dối của phía nhà xuất khẩu Việt Nam, lúc thì có hàm lượng tồn dư kháng sinh và tạp chất quá mức, lúc thì nhiễm khuẩn, chứa các hóa chất độc hại quá ngưỡng cho phép, hoặc lúc thì bị mạ băng quá nhiều so với yêu cầu của nhà nhập khẩu v.v… Nói cách khác, với những loại hàng hóa thứ cấp, nguy hại như vậy thì việc bị nhà nhập khẩu loại là đương nhiên và thích đáng, không có gì là oan uổng, đáng phàn nàn ở đây cả. Tất nhiên, nếu cảm thấy bị oan ức thì nhà xuất khẩu Việt Nam, và kể cả cơ quan quản lý của Việt Nam, có thể mang vấn đề này ra khiếu nại ở các tổ chức hữu quan được quy định rõ ràng trong các FTA, chứ hoàn toàn không có chuyện nước sở tại muốn quyết định số phận hàng nhập khẩu từ Việt Nam như thế nào thì họ cứ thế mà làm.
Hiểu nhầm thứ ba về các FTA là các FTA này chỉ có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên một cách gián tiếp, chủ yếu là nhờ có các quy định về thúc đẩy và kích thích thương mại thông qua đó khuyến khích nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam tăng cường đầu tư để giảm giá thành, nâng chất lượng sản phẩm, cải thiện được tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chứ còn bản thân việc hạ hoặc xóa bỏ thuế quan chỉ có tác dụng nâng giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu của Việt Nam (do không còn phải nộp thuế nhập khẩu như trước), và không trực tiếp làm tăng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.
Lập luận trên đã bỏ qua hoặc xem nhẹ tác động lớn nhất và quan trọng nhất của FTA là giảm/miễn thuế sẽ trực tiếp làm tăng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu so với hàng sản xuất trong nước, từ đó kích thích nhà xuất khẩu nước ngoài (ví dụ, từ Việt Nam) gia tăng xuất khẩu vào nước sở tại (ví dụ, Mỹ).
Ví dụ, trước đây nhà xuất khẩu Việt Nam bán 1 cái áo sơ mi với giá 10 USD vào Mỹ, trong đó có 1 USD là tiền thuế và 1 USD là lợi nhuận ròng. Nay với TPP, nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam được miễn khoản 1 USD này, nên có thể để mức giá bán mới là 9,2 USD, và sẽ thu tổng cộng là 1,2 USD lợi nhuận so với 1 USD lợi nhuận như trước đây. Người mua ở Mỹ trước đây phải mua với giá 10 USD, nay thấy phía Việt Nam hạ giá xuống chỉ còn 9,2 USD nên thay vì mua 1 cái áo như trước đây thì nay mua luôn 1,1 cái áo từ phía Việt Nam do thấy hàng đã hạ giá (đồng thời giảm mua 0,1 cái áo từ trong nước hay từ các nước khác khi giá ở đó vẫn giữ nguyên). Như vậy là cả 2 bên đều có lợi. Chỉ có ngân sách của Mỹ là thiệt vì đã thất thu thuế, còn doanh nghiệp dệt may của Mỹ và của các nước đối thủ của Việt Nam như Cambodia và Bangladesh thì mất bớt đơn hàng vào tay doanh nghiệp Việt Nam.
Nói cách khác, TPP đã trực tiếp làm lợi cho nhà xuất khẩu Việt Nam khi vừa bán được nhiều hơn, lại bán được với giá cao hơn, chứ không đúng như lập luận bên trên rằng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ không tăng lên được nhờ giảm/miễn thuế nhập khẩu.
Chưa hết, Việt Nam bán được nhiều hơn với giá cao hơn nên càng có động lực và điều kiện để giảm giá thêm nữa, nhờ kinh tế quy mô và nhờ tái đầu tư lợi nhuận gia tăng vào hợp lý hóa sản xuất để cắt giảm chi phí…, nên xuất khẩu của Việt Nam càng có nhiều cơ hội tăng trưởng, lấn át các doanh nghiệp nội địa của Mỹ cũng như của các nước xuất khẩu phi thành viên TPP vào Mỹ.
Cũng bởi những lý do này mà không chỉ nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt May của Mỹ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ TPP mà ngay cả những nước xuất khẩu dệt may lớn khác trong khu vực như Pakistan, Bangladesh, Cambodia và Myanmar gần đây cũng đã phải bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ lấy đi công ăn việc làm trong ngành này của họ.