Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng 2 điểm lên 97 điểm
Trong báo cáo của quý III, số lượng người Việt Nam tham gia phỏng vấn cảm thấy lạc quan về triển vọng công việc tăng lên 47%, cao hơn 5% so với quý trước và 7% so với cùng kỳ năm 2012.
Khảo sát về niềm tin người tiêu dùng và dự định mua sắm được thực hiện từ năm 2005, đo lường mức độ lạc quan, các quan ngại và dự định mua sắm của hơn 30,000 đáp viên trả lời trực tuyến tại 60 quốc gia. Mức độ lạc quan và bi quan được đánh giá theo thang điểm trên và dưới 100.
“Tuy chỉ bốn trong số các thị trường Đông Nam Á giảm điểm so với quý trước nhưng điều này vẫn thể hiện nhiều xu hướng quan trọng cần lưu ý trong thời gian tới”, ông Matt Krepsik, Giám đốc điều hành dịch vụ đo lường marketing tại Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương nói. “Báo cáo mới nhất cho thấy xu hướng thận trọng xuyên suốt khu vực Đông Nam Á khi người tiêu dùng điều chỉnh thu nhập của mình với việc mua sắm và tiết kiệm để đảm bảo sự ổn định trong tương lai”.
Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan về triển vọng công việc và tài chính
Trong báo cáo của quý III, số lượng người Việt Nam tham gia phỏng vấn cảm thấy lạc quan về triển vọng công việc tăng lên 47%, cao hơn 5% so với quý trước và 7% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 60% trung bình khu vực do người tiêu dùng cảm nhận sự phục hồi kinh tế tại Việt Nam vẫn tương đối chậm so với các nước khác trong khu vực. Cứ 2 người Việt Nam được hỏi thì 1 người (50%) cảm thấy tình hình tài chính sẽ tốt hơn, tăng 2% so với quý II/2013.
Tiết kiệm vẫn là ưu tiên hàng đầu
Người tiêu dùng Đông Nam Á không chỉ lạc quan nhất mà còn là những người tiết kiệm nhất thế giới. Đa số người tiêu dùng tham gia phỏng vấn cho biết tiết kiệm số tiền thừa còn lại sau khi đã trang trải các sinh hoạt phí thiết yếu vẫn là ưu tiên hàng đầu. Tại Indonesia, hơn 3 trong số 4 (76%) người tiêu dùng cho biết mình sẽ ưu tiên tiết kiệm (tăng 5% so với quý trước và 24% cao hơn trung bình toàn cầu), Việt Nam (tăng 4% lên 72%), Thái Lan (tăng 5% lên 68%), Singapore (tăng 4% lên 64%). Chỉ có Philppines và Malaysia lần lượt giảm 3% và 4% còn 67% và 57%. Các lựa chọn tiếp theo sau tiết kiệm bao gồm nghỉ dưỡng, mua sắm hàng công nghệ mới hoặc đầu tư vào chứng khoán.
Tìm kiếm giá trị sử dụng và đầu tư cho tương lai
Có đến 9 trên 10 người tiêu dùng Đông Nam Á nói rằng họ đã thay đổi thói quen mua sắm để tiết kiệm sinh hoạt phí so với năm trước. Thái Lan và Việt Nam là nơi có tỉ lệ thay đổi cao nhất thế giới với 90%, cao hơn trung bình toàn cầu 26%, sau đó là Indonesia (82%), Philippines (80%), Malaysia (79%) và Singapore (62%). Những khoản bị cắt giảm nhiều nhất bao gồm thời trang và giải trí ngoài gia đình, điển hình như tỉ lệ giảm mua quần áo mới tại Việt Nam là 62%, sau đó là Malaysia với 61%. Giải trí ngoài gia đình cũng bị ảnh hưởng với 60% người tiêu dùng Việt Nam chọn tiết kiệm khoản này, sau đó là Thái Lan (57%) và Malaysia (52%).
“Người tiêu dùng Đông Nam Á đang tìm kiếm giá trị sử dụng trong các dịch vụ và hàng hóa để cân đối chi tiêu gia đình và đầu tư cho tương lai”, ông Krepsilk nói. “Tuy tiết kiệm vẫn là ưu tiên hàng đầu với đại đa số người tiêu dùng, các sản phẩm sáng tạo hoặc các khoản chi tiêu lớn như đi du lịch hoặc công nghệ mới sẽ vẫn thu hút được khách hàng bằng cách mang đến một trải nghiệm thật tốt. Trong khi đó, các khoản tiêu dùng khác như quần áo mới hoặc giải trí ngoài gia đình sẽ bị cắt giảm nhiều nhất để tiết kiệm sinh hoạt phí hàng tháng”.
Theo H.Trang