MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ công – cần một con số chuẩn

Nếu chia đầu người, mỗi cá nhân đang "gánh” 808 USD nợ công. Số liệu thống kê cũng cho thấy mức nợ công tại Việt Nam tăng nhanh tới 13% kể từ năm 2011đến nay.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam phải tính tới "phần chìm của tảng băng” của nợ công, tức là những khoản nợ ngầm, các khoản nợ ngân hàng, nợ doanh nghiệp của nhà nước vay mà Chính phủ phải bảo lãnh. Đây là những yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nếu chúng ta lơ là.

Không tính theo chuẩn quốc tế

Nợ công thực sự của Việt Nam là bao nhiêu vẫn là con số gây  nhiều tranh cãi bởi hiện tồn tại nhiều cách tính. Trong khi cách tính của cơ quan  quản lý không cho rằng nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng là nợ công thì theo quan điểm của hầu hết các chuyên gia kinh tế lại cho rằng cách tính nợ công được thế giới công nhận phải bao gồm cả nợ DNNN.  

Do thiếu chuẩn hóa hệ thống thống kê nợ công theo thông lệ quốc tế nên không nắm bắt được thực chất vấn đề nợ công, giám sát nợ công, hình thành cơ quan quản lý nợ công cũng gặp khó khăn. Điều này kéo theo hệ quả về trung và dài hạn, vì thế muốn giảm bớt gánh nặng ngân sách gắn với quá trình tái cơ cấu đầu tư công, tài chính công và tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước bị trục trặc.

Chính vì vậy, mặc dù công bố của Global debt clock (Hội đồng hồ nợ công toàn cầu) cho biết chỉ số nợ công của Việt Nam hiện đang chiếm 49,2% GDP với tổng mức là 72,523 tỷ USD. Nếu chia đầu người, mỗi cá nhân đang "gánh” 808 USD nợ công. Số liệu thống kê cũng cho thấy mức nợ công tại Việt Nam tăng nhanh tới 13% kể từ năm 2011đến nay. 

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng: nợ công của Việt Nam theo định nghĩa quốc tế là gần gấp đôi số Bộ Tài chính công bố. Năm 2011, ước tính nợ công Việt Nam theo cách tính quốc tế là 128,9 tỷ USD bằng 106% GDP.

Nhưng theo cách tính của Việt Nam thì chỉ có 66,8 tỷ USD và bằng 55% GDP. Sở dĩ, con số nợ công được Bộ Tài chính công bố ở mức thấp như vậy là do đã loại trừ phần nợ của doanh nghiệp nhà nước là 62,8 tỷ USD. 

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng về lý thuyết mức nợ công của Việt Nam "không có vấn đề gì” nhưng Việt Nam phải tính tới "phần chìm của tảng băng”, tức là những khoản nợ ngầm, các khoản nợ ngân hàng, nợ doanh nghiệp của Nhà nước vay mà Chính phủ phải bảo lãnh. Đây là những yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với kinh tế Việt Nam, nếu Việt Nam "lơ là”.

Xu hướng gia tăng

Thời gian vừa qua một bài học nhãn tiền khi nợ doanh nghiệp biến thành nợ của dân. Cụ thể là với trường hợp Vinashin. Năm 2010 khi Vinashin "vỡ nợ” tới 650  triệu USD, còn nhớ Bộ Tài chính đã từng tuyên bố "không lấy tiền đóng thuế của dân để trả nợ”. Nhưng vừa qua, cũng chính Bộ Tài chính đã chấp nhận cho phát hành trái phiếu Chính phủ để trả nợ cho Vinashin. Như vậy, một cách nghiễm nhiên nợ doanh nghiệp đã biến thành nợ Chính phủ và như vậy cuối cùng toàn dân đã phải gánh nợ.

Có ý kiến cho rằng, nợ bao nhiêu không quan trọng mà vấn đề là chúng ta sử dụng số nợ ấy có hiệu quả hay không để tạo tiền đề tốt cho việc trả nợ. TS Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng cho rằng, đối với quốc gia có khủng hoảng nợ, Chính phủ phải thực hiện và minh bạch các nguồn thu chi công cũng như đảm bảo hiệu quả của tài chính công. Quản lý nợ công cần có cơ chế linh hoạt và phù hợp bao gồm đánh giá bền vững nợ công; điều hành chính sách tiền tệ; đa dạng thời hạn các khoản nợ của Chính phủ... Đặc biệt là thực hiện chính sách lãi suất, tỷ giá phù hợp; ổn định lạm phát nhằm tạo tiền đề ổn định môi trường vĩ mô, từ đó góp phần ổn định việc điều hành chính sách khác trong nền kinh tế. 

Cũng cần tham khảo, mới đây nghiên cứu của nhóm các chuyên gia của Đại học Masachusett (Mỹ) khẳng định mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng rằng: nếu nợ công vượt 90% GDP, tốc độ tăng trưởng sẽ giảm 1%.  

Theo Minh Tuệ - Thúy Hằng

thunm

Đại đoàn kết

Trở lên trên