MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ lên tới 2,7 triệu tỷ đồng: Cần “đóng băng” bội chi ngân sách và biên chế?

Từ năm 2013 Chính phủ đã không thể cân đối được các khoản vay để trả lãi và nợ gốc dẫn đến phải vay nợ mới để trả cho một phần nợ cũ. Cụ thể, năm 2013 vay để đảo nợ là 40.000 tỷ; năm 2014 là 77.000 tỷ, năm 2015 là 125.000 tỷ.

Vay gấp đôi nợ phải trả?

Dẫn ra số liệu của Chính phủ về kế hoạch vay nợ là 436.000 tỷ đồng, trong đó bù đắp bội chi ngân sách là 226.000 tỷ đồng; đầu tư trái phiếu Chính phủ là 85.000 tỷ đồng; vay đáo nợ khoảng 125.000 tỷ đồng, Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng khối lượng vay lớn gấp đôi so với khối lượng trả nợ.

Năm 2016 Chính phủ trình Quốc hội bội chi ở mức 4,95% GDP, giảm 0,05% so với dự toán năm 2015. Tuy nhiên, theo Đại biểu Phùng Đức Tiến, quy mô nền kinh tế lớn hơn với khoảng 254.000 tỷ đồng, cao hơn 2015 là 28.000 tỷ đồng. Do đó, nếu theo đà này Đại biểu Tiến lo ngại nợ công sẽ tiếp tục tăng cao.

“Đây là những con số đáng báo động, đặt gánh nặng lên nền kinh tế và ngân sách nhà nước trong bối cảnh tình hình và thế giới đang có những diễn biến phức tạp, bóng đen suy thoái đang hiện hình ở một số nền kinh tế lớn và có khả năng tác động đến toàn cầu. Nếu nợ công tăng quá cao, gây những hệ lụy khó lường cho nền kinh tế” – Đại biểu Tiến lo ngại.

Cùng chung nỗi lo nợ công tăng nhanh, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) dẫn ra số liệu: năm 2010 so với năm 2009 tăng 27%, các năm tiếp theo đều tăng cao, lần lượt ở mức 24,8%; 18,4% và 17,9%. Dẫn đến, sức ép trả nợ ngày càng tăng, khi bắt đầu từ năm 2012 đã phải vay để đảo nợ, tức là vay nợ mới để trả nợ cũ.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng dẫn chứng thêm: “Năm 2014 là 70.000 tỷ và năm 2015 đã gần gấp đôi tức là 130.000 tỷ. Đồng thời việc sử dụng ngân sách để trả nợ công theo kinh nghiệm quốc tế dưới 25% tổng thu ngân sách thì mới an toàn nhưng theo thông tin trên báo chí thì chúng ta đã phải dành đến 31,9% tổng thu ngân sách để trả nợ. Đây là những dấu hiệu rất không an toàn”.

Do đó, Đại biểu Hùng đề nghị cần tăng cường hơn nữa kỷ cương đầu tư, kỷ luật tài chính, thống kê đầy đủ, chính xác các khoản nợ công và nợ có tính chất công. Giám sát chặt chẽ việc sử dụng, hiệu quả sử dụng vốn, nhất là vốn đi vay và cũng chuẩn bị phương án để chúng ta kịch trần nợ công này để không bị lúng túng.

Đã đến lúc thắt lưng buộc bụng

Trước xu hướng nợ công tăng lên rất nhanh, bình quân 5 năm khoảng 20%/năm, Đại biểu tỉnh Cà Mau - Trần Văn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách – cho biết nợ công đã tăng từ khoảng 1,3 triệu tỷ năm 2011 lên đến dự kiến 2,7 triệu tỷ năm 2015.

Đáng chú ý là từ năm 2013 nguồn để trả lãi và nợ gốc các khoản vay của Chính phủ đến hạn phải trả đã không cân đối được. Dẫn đến, phải vay nợ mới để trả cho một phần nợ cũ. Cụ thể, năm 2013 vay để đảo nợ là 40.000 tỷ; năm 2014 là 77.000 tỷ, năm 2015 là 125.000 tỷ.

Dự kiến trong các năm tới, cân đối ngân sách nhà nước tiếp tục khó khăn, do đó việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước giữa chi thường xuyên, chi trả nợ, chi đầu tư phát triển là cần thiết. Đại biểu Trần Văn cho rằng cần sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia, tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể với nền kinh tế một trong ba khâu đột phá là tái cơ cấu đầu tư công.

“Cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tham mưu của Chính phủ khi đưa ra những chính sách, cần phải tính đến những tác động tích cực, tiêu cực. Có vay là phải có trả, trả lúc nào, trả bao nhiêu đã được xác định trong khế ước vay nợ. Không thể để cho ngân sách nhà nước lâm vào thế bị động như hiện nay khi chúng ta phải tìm mọi cách để cân đối, kể cả bán đi những tài sản đang sinh lời” – Đại biểu Trần Văn nói.

Bên cạnh đó, vị đại diện của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tạm “đóng băng” mức bội chi ngân sách nhà nước 254.000 tỷ đồng của 2016 cho 3 năm kế tiếp. Tạm đóng băng biên chế bộ máy quản lý nhà nước trong 3 năm để đánh giá xác định lại vị trí việc làm của cán bộ, công chức tiến đến giảm mạnh biên chế vào các năm tiếp theo.

“Dừng tuyệt đối xây dựng các dự án không thật cần thiết, không trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Tất cả để nhằm cân đối ngân sách nhà nước một cách tích cực, làm chậm lại tốc độ tăng nợ công, giảm dần vay đảo nợ, đảm bảo ổn định vĩ mô an ninh tài chính quốc gia. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải tự giác, thắt lưng buộc bụng trước khi bị buộc phải thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các định chế tài chính nước ngoài”  - Đại biểu Trần Văn cảnh báo.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên