MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ồ ạt” những siêu dự án tỷ đô

Năm 2015 ghi nhận một năm thu hút vốn FDI kỷ lục của Việt Nam kể từ năm 2009 đến nay, đặc biệt với 4 dự án lớn có quy mô lớn trên 1 tỷ USD được cấp phép.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2015, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam đạt 22,757 tỷ USD; tăng 12,5% so với năm 2014. Trong đó, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% với cùng kỳ năm 2014.

Năm 2015 ghi nhận một năm thu hút vốn FDI kỷ lục của Việt Nam kể từ năm 2009 đến nay, đặc biệt với 4 dự án lớn có quy mô lớn trên 1 tỷ USD được cấp phép.

Thứ nhất, đó là dự án Công ty SamSung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD. Dự án này được cấp phép năm 2014 với số vốn đầu ban đầu là 1 tỷ USD; dự án được đầu tư tại Khu công nghiệp Yên Phong 1, tỉnh Bắc Ninh với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công, tiếp thị hoặc bán các loại màn hình.

Thứ hai, dự án Nhà máy điện Duyên Hải 2 với tổng vốn đầu tư  là 2,4 tỷ USD do Công ty Janakuasa Sdh Bhd – Malaysia đầu tư tại tỉnh Trà Vinh. Mục tiêu của dự án là thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất khoảng 1.200 MW; bao gồm hai tổ máy với công suất thiết kế 600 MW mỗi tổ máy.

Thứ ba, dự án Công ty TNHH Liên doanh thành phố Đế Vương tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD do Công ty cổ phần bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH bất động sản Trần Thái liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd - Vương quốc Anh. Dự án đầu tư tại TP Hồ Chí Minh vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Thứ tư, dự án nhà máy sản xuất giấy Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD của nhà đầu tư Samoa. Dự án đặt tại Khu công nghiệp Bình Dương với mục tiêu sản xuất giấy công nghiệp và giấy tiêu dùng.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm qua đã có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với vốn đầu tư đạt 6,72 tỷ USD, chiếm 29,6% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.

Malaysia đứng vị trí thứ hai với số vốn đạt 2,47 tỷ USD; chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với số vốn đầu tư là 1,84 tỷ USD; chiếm 8,1% tổng vốn đầu tư. Đài Loan vươn lên vị trí thứ tư với số vốn đầu tư là 1,39 tỷ USD; chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, trong năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 51 tỉnh thành phố. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,46 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư đăng ký.

TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,32 tỷ USD, chiếm 14,6%. Bình Dương đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,95 tỷ USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư…

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên