MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ODA và vốn vay ưu đãi: Vẫn lo lắng về tiến độ giải ngân

Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt khoảng 1.917 triệu USD. Mức giải ngân này thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2014.

Số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng vốn ODAvốn vay ưu đãi ký kết trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt trên 1.590 triệu USD (vốn vay ODA và vay ưu đãi 1.573 triệu USD, viện trợ không hoàn lại: 17 triệu USD), bằng 70,54% so với cùng kỳ năm ngoái (kết 6 tháng đầu năm 2014 là 2.254 triệu USD).

Các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi có giá trị lớn được ký kết trong 6 tháng đầu năm 2015 gồm: Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2 trị giá 450 triệu USD (WB), Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành trị giá 262,79 triệu USD (Nhật Bản);

Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trị giá 230 triệu USD (ADB); Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Khoản vay bổ sung trị giá 147 triệu USD (ADB); Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu trị giá 135,82 triệu USD (Nhật Bản và Hàn Quốc),...

Giải ngân mới chỉ đạt 38%

Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2015 đạt khoảng 1.917 triệu USD (ODA vốn vay:1.736 triệu USD, ODA viện trợ không hoàn lại: 181 triệu USD). Mức giải ngân này thấp hơn 38% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong khi đó, tổng vốn giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi 6 tháng đầu năm 2014: 3.094 triệu USD (ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi: 3.034 triệu USD; ODA viện trợ không hoàn lại: 60 triệu USD).

Theo báo cáo Quý II năm 2015 của các Bộ, ngành và địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2015 số dự án được xếp hạng từ trung bình trở lên chiếm tỷ lệ 86% (trên tổng số dự án đầu tư và dự án hỗ trợ kỹ thuật), số dự án đạt mức giải ngân từ 40% trở lên so với kế hoạch giải ngân năm chiếm 51%.

Kết quả xếp hạng tuy cao hơn nhưng tiến độ thực hiện lại thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, để đạt được mục tiêu giải ngân cả năm bằng hoặc cao hơn năm 2014 (5.655 triệu USD) và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi sẽ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng gì trong thời gian tới.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới Ban chỉ đạo ODA phải thực hiện quyết liệt hơn nữa; các tổ công tác liên ngành hiện đã có rồi cũng phải nắm bắt tình hình kịp thời để phản ánh lên Ban chỉ đạo từ đó có kiến nghị đến Chính phủ… nhằm hoàn thành được mục tiêu giải ngân trong năm nay.

4/6 dự án đường sắt đô thị đang bị chậm chễ nghiêm trọng

Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 23 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi trong Danh sách dự án chậm tiến độ năm 2015.

Theo các báo cáo cập nhật của các cơ quan chủ quản, hiện có 10/23 dự án về cơ bản đã giải quyết xong các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đối ứng, thiếu vốn kế hoạch ODA.

Tuy nhiên, với việc bổ sung thêm Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Danh sách dự án chậm có 14 dự án cần tiếp tục được giám sát thường xuyên.

Về các dự án đường sắt đô thị, ngoại trừ dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội và dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Suối Tiên tiến độ thực hiện đã có cải thiện, 4/6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều bị chậm trễ nghiêm trọng.

Đây đều là những dự án đầu tư có quy mô và vốn đầu tư lớn, nên việc kéo dài thời gian thực hiện sẽ đẩy chi phí thực hiện dự án lên rất cao, giảm hiệu quả đầu tư và gây lãng phí nguồn lực.

Gần đây, ngày 16/7/2015, 4 Ngân hàng phát triển (ADB, AFD, KFW và JICA) đã có công thư gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp cao đối với các dự án đường sắt đô thị để giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án đường sắt đô thị đã triển khai và lập kế hoạch xây dựng các dự án đường sắt đô thị trong thời gian tới cho hiệu quả.

 

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên