MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Bùi Đức Thụ: Nâng tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài để Vinamilk "được giá"

Không nên để tình trạng bán phần vốn ồ ạt, cung tăng đột ngột trong điều kiện cầu có hạn, sẽ dẫn đến thị trường bội thực và giá bán phần vốn của nhà nước thấp, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước.

Đó là quan điểm được Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu - ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách trao đổi với chúng tôi liên quan đến việc thoái vốn tại 10 doanh nghiệp Nhà nước theo chủ trương của Chính phủ.

Theo ông Thụ, hiện nay cầu trong nước đang có hạn nên nếu thoái vốn ồ ạt có thể dẫn đến thị trường bội thực, giá bán thấp và ảnh hưởng đến phần vốn của Nhà nước. Do đó, việc tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài có thể cần được tính đến để việc thoái vốn đạt giá trị tốt nhất.

Thưa ông, Vinamilk vừa kiến nghị phương án thoái vốn Nhà nước và cho rằng đây là thời điểm thích hợp để thoái vốn. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Theo kế hoạch thoái vốn của Chính phủ đợt này thoái vốn ở 10 doanh nghiệp với số tiền đầu tư của Nhà nước đánh giá lại là trên 66.000 tỷ đồng. Trong đó ở Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) chiếm trên 86%, tức trên 57.000 tỷ đồng.

Vấn đề đặt ra là thoái vốn nhưng phải đảm bảo lợi ích của nhà nước. Hiện tại cầu trong nước có hạn nên phải tính đến thời điểm thoái vốn thế nào cho phù hợp. Không nên để tình trạng bán phần vốn ồ ạt, cung tăng đột ngột trong điều kiện cầu có hạn, thì sẽ dẫn đến thị trường bội thực và giá bán phần vốn của nhà nước thấp, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước.

Ông bình luận gì phương thức thoái vốn đấu giá công khai mà Vinamilk đề xuất?

Về phương thức tiến hành, với các doanh nghiệp đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thực hiện giao dịch trên thị trường chứng khoán, tức là đã có giá cả cạnh tranh. Còn với doanh nghiệp chưa niêm yết thì phải có hình thức đấu giá.

Ngay cả với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, nếu thấy có hành vi liên kết ảnh hưởng lợi ích nhà nước thì cũng có thể thực hiện hình thức đấu giá rộng rãi để xác định việc bán phần vốn của Nhà nước theo đúng giá thị trường.

Việc đấu giá chúng ta đã làm, như đấu giá mua sắm vật tư và nhiều hoạt động kinh tế Nhà nước khác. Vấn đề là ta tổ chức đấu giá, sàn đấu giá. Đặc biệt là làm sao để có đông người mua tham gia, không có sự độc quyền liên kết trong việc thao túng giá, đảm bảo đấu giá thực sự, giá cả cạnh tranh cân bằng cung và cầu tại thời điểm đấu giá đó.

Cũng trong phương thức thoái vốn Vinamilk cho rằng không nên chia nhỏ số lượng cổ phần bán mỗi lần thoái vốn mà chỉ nên chia số lượng cổ phần của Nhà nước thành không quá 3 đợt và mỗi đợt tối thiểu 10% vốn điều lệ của nhà nước. Theo ông phương án này có phù hợp?

Tôi cho rằng phương án và lộ trình thoái vốn đã giao cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn tài sản của Nhà nước (SCIC), trên nữa là đặt dưới sự chỉ đạo của Chính phủ rồi. Vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào cho linh hoạt, không phải dựa trên sự chủ quan của người quản lý, mà phải căn cứ vào tín hiệu thị trường.

Tức là tại thời điểm đó thị trường chứng khoán như thế nào, đấu giá bao nhiêu, cái đó nên giao cho Chính phủ, SCIC và công ty này xem xét và hoàn thiện đề án tổ chức thực hiện tổ chức hợp lý hơn.

Vinamilk có kiến nghị nâng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài lên. Liệu điều này có làm chúng ta có lo ngại mất thương hiệu Việt không?

Việc điều chỉnh tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài ở từng doanh nghiệp thì Chính phủ phải cân nhắc tính toán. Làm sao để đảm bảo vừa huy động nguồn vốn, thu hồi vốn với lượng tiền cao, nhưng cũng phải đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, căn cứ vào từng loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực một, để xác định room, tỷ lệ tham gia cổ phần của đối tác nước ngoài cho hợp lý. Nếu như ta bó hẹp thì cầu sẽ giảm, do hiện nay cầu trong nước hạn chế mà cầu quốc tế không được tham gia sẽ ảnh hưởng đến giá bán cổ phiếu đó.

Cẩm An (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên