Ông Dương Tự Trọng bị khởi tố thêm tội danh
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can Dương Tự Trọng, nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng về tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” .
- 28-04-2013Khởi tố thêm một bị can đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn
- 22-03-2013Bắt thêm giám đốc giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn
- 22-02-2013Bắt đại tá Dương Tự Trọng - em trai ông Dương Chí Dũng
Nguồn tin ngày 26-6 cho biết mở rộng điều tra
vụ giúp bị can Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài, cơ quan tố tụng đã
tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Dương Tự Trọng - nguyên Phó
Giám đốc công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản
lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Bộ Công an - về tội Lợi dụng chức
vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trước đó, ông Dương Tự Trọng đã bị cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an khởi tố bị can cùng với 7 đối tượng khác về hành vi tổ chức cho Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam - trốn ra nước ngoài.
Thông tin ban đầu, năm 2001-2002, khi ông Dương Tự Trọng đang là Trưởng phòng cảnh sát hình sự - Công an TP Hải Phòng thì có quan hệ thân thiết với Đồng Xuân Phong, lúc đó là cán bộ đội chống buôn lậu Cục Hải quan Hải Phòng.
Năm 2009, Phong bị công an TP HCM khởi tố, truy nã về tội buôn lậu. Dù biết điều này song ông Dương Tự Trọng, lúc này đã là Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, vẫn liên lạc trao đổi với Phong.
Năm 2012, khi ông Dương Chí Dũng bị Bộ Công an khởi tố, ông Trọng đã liên lạc và yêu cầu Phong phối hợp với “đàn em” của Trọng để tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài.
Ngoài ra, tháng 4-2012, Dương Tự Trọng còn cung cấp thông tin của 2
người không có thật, yêu cầu cấp dưới viết giấy chứng minh nhân dân cho
2 người này và dán ảnh của Trọng vào để phục vụ cho mục đích riêng của
mình.
Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm: a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. |
Theo N.Quyết