Petrolimex muốn cơ quan chức năng gỡ khó cho kho Ngoại quan Vân Phong
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong việc cấp CO khi cho các đối tác thuê kho xăng dầu tại Kho Ngoại quan Vân Phong.
- 04-03-2016Petrolimex gửi văn bản "cầu cứu" Ban tuyên giáo, Bộ Thông tin truyền thông
- 04-03-2016Petrolimex lãi lớn nhất từ trước đến nay, nhưng chỉ một nửa lợi nhuận đến từ xăng dầu
- 03-03-2016Thanh tra tại Tập đoàn Petrolimex: Đề nghị Bộ Công an điều tra 2 vụ việc
- 02-03-2016Petrolimex bị thanh tra kiến nghị xử lý hơn 1.191 tỷ đồng
Trong văn bản 0166 về việc tháo gỡ vướng mắc cho kho ngoại quan Vân Phong do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) gửi đi ngày 4/3 đến Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, cho biết các đối tác của Tập đoàn này đang gặp một số khó khăn, vướng mắc khi xin cấp mẫu CO đối với mặt hàng xăng dầu tại kho Ngoại quan Vân Phong.
Được biết, Kho ngoại quan Vân Phong do Công ty Liên doanh kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (VPT) quản lý. Đây là công ty con có 55 % vốn góp của Tập đoàn Petrolimex.
Theo đó, khi thuê kho xăng dầu tại Công ty VPT, các đối tác đang gặp một số vướng mắc khi thực hiện các hiệp định ưu đãi về thuế quan, cụ thể là Việt Nam – Hàn Quốc và Việt Nam – ASEAN.
Cụ thể, theo Hiệp định ASEAN – Việt Nam khi duyệt cấp CO, ghi tên người xuất khẩu tại CO back to back, theo quy định tại Thông tư 01/2013/TT-BCT là thương nhân nước ngoài phải có hiện diện Việt Nam. Tuy nhiên, Petrolimex cho biết trong trường hợp này người xuất khẩu có thể không có hiện diện tại Việt Nam.
Do đó, Petrolimex đề xuất các cơ quan liên quan chấp nhận cấp CO mà không cần phải hiện diện tại Việt Nam phù hợp với Luật Hải quan, Hiệp định ASEAN – VIệt Nam.
Ngoài ra, Tập đoàn này còn cho biết gặp vướng mắc khi khai báo tên nước xuất khẩu, thì hải quan Khánh Hòa chưa chấp nhận khai tên nước xuất khẩu theo CO gốc cấp ban đầu, do chưa có hướng dẫn cụ thể khi đưa hàng form D từ nước ngoài vào VPT, sau đó đưa vào tiếp nội địa. Vì vậy, Petrolimex cho rằng cần thống nhất hướng dẫn là sẽ ghi nước xuất khẩu trên CO gốc lần đầu.
Đối với Hiệp định Hàn Quốc – Việt Nam lại gặp vướng mắc khi thực hiện theo CO form KV. Cụ thể, khi hàng có CO KV không có quy định cấp CO back to back, do vậy khi thương nhân nước ngoài đưa hàng lô lớn vào kho và cấp ra từng lô nhỏ thì không được cấp CO Back to Back.
Do đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xem xét hướng dẫn để kho ngoại quan Vân phong duy trì hoạt đọng, tiếp tục tạo lập được thị trường trung chuyển xăng dầu có uy tín của khu vực, thu hút được khách hàng lớn, kinh doanh có hiệu quả.
Được biết, kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ triển khai các hoạt động pha chế, chuyển loại, chiết khấu… đúng như thông lệ quốc tế.
Thời gian qua, kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong đã thu hút được nhiều nhà cung cấp xăng dầu nổi tiếng trên thế giới thuê lại kho Vân Phong, công suất khai thác sử dụng Kho ngày càng cao. Dẫn chứng là tại thời điểm quý I/2016 công suất thuê kho đã đạt trên 80% với khách hàng chủ yếu là các hãng xăng dầu nước ngoài.
Đến nay, Công ty VPT đã tiến hành xuất nhập 8 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, trung bình tần suất xuất nhập đạt 40 lần tàu/tháng, tổng số thuế nhập khẩu tại Hải quan Vân phong đạt hơn 12 ngàn tỷ đồng.
Nguồn hàng xăng dầu ra vào kho Ngoại quan đều được quản lý, theo dõi và giám sát chặt chẽ, phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước trong quản lý hoạt động của Kho. Nhờ vậy, đã đảm bảo được nguồn cung của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đảm bảo nguồn dự trữ quốc gia mà Chính phủ giao cho Tập đoàn thông qua nguồn hàng của nước ngoài gửi tại kho Vân Phong.
Vì vậy, Petrolimex cho rằng việc tháo gỡ khó khăn cho kho ngoại quan Vân Phong sẽ giúp cho Tập đoàn duy trì được hiệu quả hoạt động với các đối tác và đảm bảo hiệu quả đầu tư.