Phát hành trái phiếu đang không đủ để trả nợ trái phiếu cũ
Trong năm 2015 Chính phủ có kế hoạch vay nợ với tổng khối lượng là 436.000 tỷ đồng để đảo nợ và đáp ứng nhu cầu huy động vốn.
- 12-10-2015UBTCNS: Đồng ý việc đa dạng kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ
- 01-10-2015Nỗi lo đầu ra trái phiếu chính phủ
- 28-09-2015Bloomberg: Lợi suất trái phiếu Chính phủ chịu sức ép tăng
Thông tin trên được Bộ Tài chính đưa ra trong tờ trình Quốc hội về tình hình triển khai Nghị quyết liên quan đến phát hành trái phiếu và tái cơ cấu nợ Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dư nợ vay của Chính phủ tính đến 31/12/2014 là 1.866.004 tỷ đồng. Trong đó dư nợ trong nước là 1.017.305 tỷ đồng; vay nước ngoài 850.699 tỷ đồng.
“Nợ nước ngoài của Chính phủ đa phần là khoản vay ODA, nên kỳ hạn nợ là cao, khoảng 12,8 năm. Nợ trong nước ngoài khoản vay quỹ bảo hiểm xã hội có kỳ hạn dài, thì các khoản vay còn lại đều có kỳ hạn ngắn, nên đã tạo sức ép trả nợ cho ngân sách trong ngắn hạn” - Bộ trưởng thông tin.
Đáng chú ý, nợ trái phiếu Chính phủ (TPCP) chiếm tỷ trọng cao trong danh mục nợ Chính phủ trong nước, với khoảng 55% và chiếm khoảng 30% tổng nợ của Chính phủ, với kỳ hạn bình quân còn lại là 2,98 năm.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho NSNN năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch vay nợ với tổng khối lượng là 436.000 tỷ đồng. Trong đó, vay để bù đắp bội chi là 226.000 tỷ đồng; chương trình đầu tư trái phiếu là 85.000 tỷ đồng và vay để đáo nợ là 125.000 tỷ đồng.
Chính phủ dự kiến, nguồn vay để huy động được 436.000 tỷ đồng từ các nguồn, bao gồm: Vay nước ngoài 36.000 tỷ đồng; vay trong nước 400.000 tỷ đồng. Vay trong nước sẽ bao gồm phát hành TPCP 250.000 tỷ đồng; vay các quỹ tài chính Nhà nước là 118.000 tỷ đồng và các khoản vay khác là 32.000 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, trong năm 2015 Chính phủ đã triển khai đồng bộ các giải pháp để huy động được nguồn vốn vay nêu trên, nhằm đáp ứng yêu cầu dự toán chi đã duyệt. Các kênh huy động như phát hành TPCP trong nước, vay các quỹ tài chính Nhà nước, vay ưu đãi nước ngoài, vay ODA đều được sử dụng tối đa.
“Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm 2015 có thể thấy rất khó khăn để đạt kết quả đề ra, đặc biệt là thông qua công tác huy động vốn phát hành TPCP. Trong khi khối lượng TPCP đến hạn thanh toán là tương đối lớn, khoảng 363.116 tỷ đồng” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Dẫn chứng, trong 9 tháng đầu năm 2015 tổng khối lượng phát hành TPCP là 127.473 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm và bằng 60,6% so với cùng kỳ. Trong đó khối lượng phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm là 64.061 tỷ đồng; kỳ hạn từ 10 năm trở lên là 63.412 tỷ đồng; kỳ hạn 20 năm là 4.230 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc huy động kỳ hạn dài đã giúp ngân sách sử dụng vốn, cơ cấu lại danh mục nợ TPCP theo hướng nâng dần kỳ hạn nợ, giảm gánh nặng trả nợ ngắn hạn. Tuy nhiên, do thị trường TPCP còn nhỏ, nhu cầu đầu tư kỳ hạn dài còn hạn chế nên huy động vốn khó đạt kế hoạch đặt ra.
Theo tính toán, nếu không có giải pháp phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn thì cả năm chỉ huy động được 160.000 tỷ đồng, như vậy giảm 90.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong khi đó, khối lượng thanh toán gốc và lãi TPCP năm 2015 là 160.684 tỷ đồng.
“Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2015 khối lượng vốn huy động mới từ phát hành TPCP không đủ để thanh toán và trả nợ gốc và lãi TPCP đến hạn” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Do đó, các giải pháp được Chính phủ đưa ra là phát hành tín phiếu kho bạc ngắn hạn đáo hạn và vay ngân hàng Nhà nước để bù đắp thiếu hụt ngân sách tạm thời. Đồng thời, Bộ Tài chính phải tăng lãi suất phát hành TPCP với kỳ hạn 5 năm lên 6,6%/năm. Tuy nhiên, nhiều phiên phát hành không thành công và khối lượng phát hành đạt thấp.
Do đó, Chính phủ đề xuất bên cạnh việc đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP tại thị trường trong nước, cho phép phát hành với tất cả các kỳ hạn theo quy định, sẽ huy động vốn thông qua phát hành TPCP thị trường vốn quốc tế.
Theo đó, khối lượng phát hành dự kiến sẽ khoảng 3 tỷ USD để tái cơ cấu lại TPCP trong nước trong giai đoạn 2015 – 2016.