MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sabeco, Habeco có thể mất thị phần khi bia nhập từ EU được miễn thuế?

Nếu doanh nghiệp bia, rượu trong nước không có chiến lược để nâng cao chất lượng thì sẽ rất khó cạnh tranh được với rượu, bia ngoại khi thuế nhập khẩu về mức 0%.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu - EU (Hiệp định EVFTA) đã kết thúc đàm phán hồi đầu tháng 8. Đối với lĩnh vực cụ thể như rượu vang, rượu mạnh, bia, Việt Nam đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu trong thời gian tối đa là 10 năm.

Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phan Chí Dũng ,Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nhẹ (Bộ Công Thương):

Với những cam kết xóa bỏ thuế rượu mạnh, bia nhập khẩu vào thị trường Việt Nam xuống 0%, ông đánh giá thế nào về tác động của cam kết này đối với thị trường bia rượu trong nước?

Ông Phan Chí Dũng: Việc điều chỉnh thuế nhập khẩu của các sản phẩm rượu vang, rượu mạnh, bia xuống 0% trong vòng 10 năm tới, chắc chắn sẽ tác động đến ngành bia rượu của Việt Nam. Tuy nhiên, tác động của từng loại sản phẩm sẽ khác nhau.

Sản phẩm rượu do Việt Nam sản xuất thuộc phân khúc rượu bình dân. Rượu vang và rượu mạnh nằm trong phân khúc rượu cao cấp là những sản phẩm không phải là thế mạnh của Việt Nam, nên tác động của việc giảm thuế đối với mặt hàng này là không lớn.

Đối với sản phẩm bia, do ngành sản xuất bia Việt Nam đã được đầu tư tốt, sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường nên việc giảm thuế sẽ có ảnh hưởng. Nhưng việc xóa thuế nhập sẽ chỉ tác động đến phân khúc của thị trường bia cao cấp.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ CN Nhẹ

Trên thực tế, mức tiêu thụ rượu, bia trên thị trường trong thời gian gần đây tăng lên đáng kể. Theo thống kê, năm 2014, Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,14 tỷ lít bia, 68 triệu lít rượu công nghiệp và khoảng 300 triệu lít rượu thủ công do dân tự nấu.

Vì vậy, thị trường rượu bia nước ta thu hút nhiều sự quan tâm của các hãng bia, rượu có tên tuổi trên thế giới, nên sức ép cạnh tranh đối với các sản phẩm này trên thị trường ngày càng lớn.

Tuy nhiên, Việt Nam đã có sự chủ động và chuẩn bị từ nhiều năm trước và thời gian thực hiện cam kết kéo dài tối đa 10 năm nên các doanh nghiệp trong nước đã có thời gian để thích nghi, chuyển đổi.

Doanh nghiệp ngành bia rượu sẽ được hưởng lợi gì và ngược lại sẽ phải chịu những áp lực gì khi thị trường tự do, thưa ông?

Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp ngành bia, rượu (đặc biệt là sản xuất bia) sẽ được hưởng một số lợi thế như thu hút được nhiều hơn nguồn vốn từ EU.

Giá nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu giảm sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, từ đó giảm áp lực cạnh tranh do giá bia rượu nhập khẩu giảm. Bên cạnh đó, thuế suất giảm về 0% cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu vào thị trường các nước EU.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp ngành bia, rượu cũng gặp phải những khó khăn, thách thức. Đối với các doanh nghiệp sản xuất rượu, áp lực cạnh tranh sẽ tăng dần khi điều kiện sống của người dân được nâng cao, nhu cầu sử dụng rượu cao cấp tăng.

Do đó, nếu doanh nghiệp trong nước không có chiến lược để nâng cao chất lượng rượu, sẽ rất khó cạnh tranh được với rượu nhập khẩu khi thuế về mức 0%. Hơn nữa, một bộ phận người Việt Nam ngày càng ưa thích sử dụng rượu ngoại nên các loại rượu vang, rượu mạnh có thương hiệu quốc tế sẽ từng bước chiếm lĩnh thị trường.

Các doanh nghiệp lớn như Habeco, Sabeco sẽ được hưởng lợi nhiều hơn hay càng chịu áp lực lớn hơn, thưa ông?

Đối với các doanh nghiệp sản xuất bia, hiện nay trong nước có hai doanh nghiệp lớn là Tổng Công ty CP Bia Rượu NGK Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty CP Bia Rượu NGK Hà Nội (Habeco) đang nắm giữ khoảng 2/3 thị phần.

Các doanh nghiệp này có lợi thế là có truyền thống lâu đời, thương hiệu uy tín đã đi sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng trong nước. Điều đó giúp các doanh nghiệp có chỗ đứng vững chắc và cạnh tranh tốt với các sản phẩm nhập ngoại trên thị trường. Tuy nhiên, đối với những hãng bia lớn có thương hiệu tầm cỡ thế giới như Sapporo, ABInBev …thì vẫn luôn là một thách thức lớn.

Hiện tại, các sản phẩm bia nội đều nằm ở phân khúc phổ thông và bình dân, phù hợp với nhu cầu và mức thu nhập của đa số người Việt Nam. Tuy nhiên, khi đời sống người dân nâng cao, cũng giống như sản phẩm rượu, nhiều người sẽ chuyển sang dùng bia cao cấp thì bia nội sẽ mất dần thị phần.

Vậy, doanh nghiệp bia rượu trong nước cần có sự chuẩn bị gì khi đối mặt với những cơ hội và thách thức từ Hiệp định thương mại này?

Để nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp ngành bia, rượu khi hội nhập, các doanh nghiệp trong nước cần sớm chuẩn bị tinh thần và nâng cao ý thức cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp cần tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm do doanh doanh nghiệp sản xuất.

Hơn nữa, các doanh nghiệp trong ngành cần có chiến lược xây dựng thương hiệu, giữ vững uy tín cũng như củng cố niềm tin của người tiêu dùng nhằm duy trì và phát triển thị trường trong nước.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành cần tìm hiểu sâu thị hiếu tiêu dùng của người dân EU. Từ đó cung cấp những sản phẩm phù hợp và tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực nhằm đạt được lợi ích tối đa từ hiệp định này.

Xin cảm ơn ông!

Theo Huyền Thương

Vinanet

Trở lên trên