Sau vụ truy thu thuế của Sabeco, chính sách thuế… phanh gấp khiến doanh nghiệp trở tay không kịp
Nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ uống đồng loạt kiến nghị cần lùi thời hạn xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vốn đã được ấn định là có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
- 17-12-2015Hoàn thuế, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt
- 23-10-2014Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia: Rượu lậu sẽ “lên ngôi”?
- 20-02-2014CEO Carlsberg Việt Nam: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu sẽ ảnh hưởng đến CPI
Chỉ vài tháng trước đây, một số văn bản được ban hành vào cuối năm 2015 đã đưa ra quy định mới về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Quy định này được đưa ra ngày sau khi ngành bia “lùm xùm” vụ việc Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bị đề nghị truy thu 403 tỷ đồng tiền thuế.
Một quy định bất cập và thiếu cơ sở pháp lý?!
Theo đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được dựa trên giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng có quan hệ với công ty mẹ, công ty con, hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ với cơ sở sản xuất và cơ sở nhập khẩu. Đồng thời, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm mà các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Theo ông Lê Hồng Xanh - Chủ Tịch Kiêm Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Một Thành Viên Thương Mại Bia Sài Gòn – cho rằng vai trò của các hệ thống thương mại trong các doanh nghiệp bia rất quan trọng. Với mức quy định trần trước đây là 10% thì các doanh nghiệp phân phối có quan hệ công ty mẹ con, con với công ty sản xuất có thể trang trải được các chi phí.
Tuy nhiên, việc giảm xuống 7% thì các doanh nghiêp không thể đảm bảo bù đắp được các chi phí kể trên, dẫn tới việc giảm sút doanh thu và ngân sách đóng góp cho Nhà nước. Đồng thời đại diện Sabeco còn khẳng định đến thời điểm này thì tính pháp lý để ban hành những văn bản, với những nội dung đưa ra chưa được đảm bảo.
Vấn đề này cũng được các DN đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2015 chỉ rõ, hiện dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào cuối tháng 3 tới đây, tức là sẽ “luật hóa” các quy định mới về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước Giải khát thì cho rằng rất khó để bắt buộc hay đảm bảo mức giá bán ra của các công ty phân phối trong cùng hệ thống là không cao hơn 7% mức giá bán ra. Bởi đặc thù của ngành đồ uống là giá bán ra thị trường sẽ thay đổi theo mùa nên các công ty phân phối không thể có một mức giá cố định.
Do đó, mức quy định là chênh lệch 7% giá không chỉ tạo ra thủ tục hành chính phức tạp, mà còn dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp có thể gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế…
Doanh nghiệp kêu mà văn bản vẫn được ban hành liệu "có vấn đề"?!
Với một văn bản chỉ ra đời được vài tháng và mới có hiệu lực được khoảng 2 tháng, ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ, cho rằng việc ban hành văn bản này là “có vấn đề” khi hàng loạt các “kêu cứu” nhưng không hiểu tại sao, lại vẫn cho ban hành và có hiệu lực?!
“Các kiến nghị hiện chỉ dừng lại là lùi thời điểm thi hành hiệu lực, chứ chưa nói là cái gì sai thì phải bỏ hẳn. Do đó, bên cạnh lùi thời điểm thì cần kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với luật, phù hợp yêu cầu DN và thực tiễn mang tính hợp lý hơn” – ông Khải cho rằng.
Cho rằng quy định hiện hành chắc chắn sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh của DN, ngành và thị trường rất lớn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng việc ban hành văn bản pháp lý phải tuân thủ thông lệ các nước. Có nghĩa là việc đưa ra văn bản phải có thời gian và lộ trình thay đổi phù hợp, đưa ra nhanh quá có thể làm cho DN đối diện với nguy cơ thua lỗ lớn và thậm chí rời khỏi thị trường.
Theo kiến nghị của nhiều chuyên gia, quy định về giá tính thuế đã có hiệu lực thi hành được 2 tháng nay, do đó các doanh nghiệp trong ngành cần có đánh giá đầy đủ các tác động liên quan đến sản lượng, tiêu thụ của DN. Ông Trương Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật của Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng cần có cuộc đối thoại và mời chuyên gia các bên liên quan để nghe và rút kinh nghiệm để có kiến nghị, trình Quốc hội sửa đổi phù hợp trong kỳ họp tháng 3 sắp tới