MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ rà soát lại doanh nghiệp chậm cổ phần hóa để quy trách nhiệm

Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng đang rà soát lại danh sách doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa. Tới tháng 6, Chính phủ sẽ kiểm điểm lại lần nữa, đơn vị nào không có lý do rõ ràng mà chậm thực hiện cổ phần hóa thì lãnh đạo bộ, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.

Cổ phần hóa không thể “ào ào”

Nói rõ hơn về quá trình này trong buổi họp báo sáng nay (18/5), ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thừa nhận, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước so với cùng kỳ năm ngoái thì nhanh nhưng tính theo kế hoạch thì còn “khiêm tốn.”

Theo con số được Bộ Tài chính công bố, trong 3 tháng đầu năm, đã có 27 doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu và thoái vốn thông qua hai sở giao dịch chứng khoán.

Như vậy, trong 9 tháng cuối năm nay, cơ quan chức năng cho biết còn phải thực hiện cổ phần hóa 262 doanh nghiệp, chiếm 90% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, với tiến độ trên, ông Tiến khẳng định, một trong những điểm tích cực là doanh nghiệp cổ phần hóa không theo phong trào.

“Cổ phần hóa nhanh mà ào ào, bằng mọi giá rồi sau đó doanh nghiệp vẫn đì đẹt, người lao động vẫn mất việc nhiều thì có nên làm nhanh hay không. Tất nhiên phải có tiến độ cụ thể nhưng chậm là không ai làm, không ai quán triệt mới đáng ngại,” lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp nói.

Về vấn đề này, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ từng nhóm doanh nghiệp phải làm gì, giải pháp ra sao và các bộ chủ quản phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

“Không có lý do gì có ban chỉ đạo rồi mà không xác định giá trị doanh nghiệp. Có phương án cổ phần hóa rồi thì 30 ngày phải IPO,” ông Tiến nêu ý kiến.

Theo ông, trong tháng Sáu, Chính phủ sẽ kiểm điểm lần nữa đơn vị nào không có lý do rõ ràng mà chậm cổ phần hóa thì lãnh đạo bộ, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.

Sắp có quy định bán cổ phần theo lô

Về những khó khăn cụ thể như một số doanh nghiệp không bán được nợ, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định, quy trình thực hiện đã có nhưng quan trọng là khâu thực hiện có minh bạch không.

Theo ông, những khoản nợ khó đòi hoặc không đòi được phải có chứng từ chứng minh cụ thể như nợ bỏ trốn hoặc với đối tượng nợ là tổ chức thì phải đủ giấy tờ theo quy định về giải thể, phá sản. Những chứng từ này theo ông phải công khai minh bạch và có cơ quan chức năng hoặc hội đồng xác nhận.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những vấn đề trên nếu doanh nghiệp không xử lý được thì phải báo cáo các bộ, ngành và cao hơn có thể là Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo ngành tài chính cho rằng, trách nhiệm ở đây có thể là cá nhân nhưng cũng có thể còn do cơ chế với một vài trường hợp nợ nước ngoài hoặc do những yếu tố khác như chiến tranh.

Tuy nhiên, theo ông Tiến với vấn đề này, “quan trọng là khi làm có dám kê khai phân loại và xác định rõ trách nhiệm không.” Nếu không làm rõ trách nhiệm thì quá trình này theo ông có thể hợp thức hóa cho các cá nhân làm sai.

Nói thêm về giải pháp thời gian tới để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, ông Nguyễn Quyết Tiến cho biết, ngành tài chính đã trình Thủ tướng dự thảo về bán cổ phần theo lô.

Đây là vấn đề đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao cho Bộ Tài chính trước đó nhằm tìm kiếm nhà đầu tư lớn, có đủ tiềm lực, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Thông tin trước về dự thảo này, ông Tiến tiết lộ, việc bán cổ phần này này sẽ được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai tại các sở giao dịch để đảm bảo minh bạch. Hình thức này theo ông sẽ đảm bảo có cơ quan chuyên trách xây dựng quy chế mẫu và giám sát việc thực hiện./.

Theo Xuân Dũng

PV

VIETNAM+

Trở lên trên