MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Số phận" lao động dôi dư trong DNNN sẽ ra sao?

Theo Nghị định mới về chính sách lao động dôi dư khi thực hiện cổ phần hóa, sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành, người đại diện vốn sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Nghị định mới cơ bản kế thừa một số quy định của Nghị định số 91/2010/NĐ-CP như đối tượng giải quyết lao động dôi dư; chế độ về hưu trước tuổi; chế độ trợ cấp, hỗ trợ thêm theo số năm làm việc trong khu vực nhà nước.

Tuy nhiên, một số điểm mới được sửa đổi. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, ngoài các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại theo các hình thức cổ phần hóa, bán, chuyển thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, giải thể, phá sản, Nghị định mới đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Về đối tượng áp dụng, Nghị định bổ sung đối tượng là người lao động được tuyển dụng lần cuối cùng sau ngày 21/4/1998 hoặc 26/4/2002 (đối với trường hợp giải thể, phá sản) chấm dứt hợp đồng lao động.

Người đại diện phần vốn của công ty thực hiện sắp xếp lại theo quy định, tại thời điểm sắp xếp lại, hết thời hạn ủy quyền mà công ty thực hiện sắp xếp lại đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm.

Đồng thời, bỏ đối tượng áp dụng là người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

Nghị định mới cũng sửa đổi, bổ sung về các chính sách lao động dôi dư. Cụ thể, đối với người lao động được nghỉ hưu trước tuổi thì chỉ thay thế mức hỗ trợ một khoản tiền theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương bình quân 5 năm cuối bằng mức hỗ trợ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội 1 tháng lương cơ sở.

Đối với người lao động được tuyển dụng trước ngày 21/4/1998 khi công ty thực hiện cổ phần hoá, bán hoặc chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, đơn vị sự nghiệp thì thay thế trợ cấp một tháng lương bằng trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động.

Người đại diện vốn được hưởng trợ cấp thôi việc

Đồng thời, hỗ trợ một khoản tiền cho mỗi năm làm việc tại công ty thực hiện sắp xếp như: hỗ trợ 1,5 tháng lương cơ sở đối với người lao động có thời gian làm việc dưới 20 năm; 0,5 tháng lương cơ sở đối với người lao động có thời gian làm việc từ đủ 20 năm đến dưới 25 năm; 0,2 tháng lương cơ sở đối với người lao động có thời gian làm việc từ đủ 25 năm trở lên.

Đối với người lao động được tuyển dụng trước ngày 26/4/2002 khi công ty bị giải thể, phá sản thì được trợ cấp thôi việc theo quy định Điều 48 của Bộ luật Lao động và hỗ trợ một khoản tiền thay vì trợ cấp một tháng lương như quy định trước.

Nghị định mới cũng bổ sung chính sách đối với lao động dôi dư là người đại diện phần vốn của công ty. Cụ thể, người đại diện phần vốn của công ty được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21/4/1998 hoặc từ ngày 26/4/2002 trở về sau được trợ cấp mất việc làm.

Nội dung này thực hiện theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động đối với người lao động dôi dư trong công ty thực hiện cổ phần hoá, bán, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách; trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động đối với người lao động dôi dư trong công ty thực hiện giải thể, phá sản.

Bên cạnh đó, người đại diện phần vốn của công ty được hưởng trợ cấp thôi việc do doanh nghiệp có vốn đầu tư của công ty thực hiện sắp xếp lại chi trả đối với thời gian người đại diện phần vốn của công ty làm việc thực tại doanh nghiệp đó...

San Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên