MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sớm trình Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương

Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương đã được xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và sẽ sớm được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian tới.

Ngày 4/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp cùng các bộ, ngành, các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của ngành Công nghiệp, Thương mại để xem xét, rà soát các nội dung Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, nằm trong chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước đã đề ra.

Thẳng thắn nhìn vào tồn tại

Cuộc họp đã xem xét, đánh giá thực trạng các ngành, lĩnh vực của Bộ Công Thương giai đoạn 2007-2013 tập trung các mảng chính công nghiệp, năng lượng, thương mại và hội nhập quốc tế.

Các ý kiến tập trung đánh giá những mặt hạn chế, chỉ ra được những vấn đề còn tồn tại ảnh hưởng đến sự phát triển các ngành, lĩnh vực và biện pháp giải quyết những vấn đề đó. Đặc biệt là những bất cập trong cơ cấu ngành để từ đó có định hướng tái cơ cấu.

Đó là tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp luôn cao hơn tốc độ tăng giá trị tăng thêm. Hoặc năng suất lao động thấp, thấp nhất tập trung ở các ngành sản xuất gia công như dệt may, da giày… Cơ cấu ngành chuyển dịch còn chậm và không bền vững, tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động có giá trị tăng thêm thấp ngày càng giảm xuống, tốc độ đổi mới công nghệ còn thấp, không đồng đều và không theo một định hướng phát triển rõ rệt, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới và khu vực, dễ bị tổn thương khi có biến động lớn.

Về thương mại, các tồn tại, hạn chế lớn cũng được thẳng thắn chỉ ra như tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng chưa bền vững; phát triển xuất khẩu theo chiều rộng, chất lượng hiệu quả chưa cao, hệ số tiêu hao nguồn lực cho một đơn vị xuất khẩu cao; cán cân thương mại đã chuyển từ trạng thái nhập siêu sang xuất siêu nhưng nhập siêu có nguy cơ quay trở lại cao khi nền kinh tế phục hồi. Thương mại bán lẻ tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao, thiếu bền vững; cơ cấu sở hữu trong hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại đang chuyển dịch theo hướng tập trung ngày càng nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tạo áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt…

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp cùng các bộ, ngành, các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của ngành Công nghiệp, Thương mại để xem xét, rà soát các nội dung Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương. 

Các ý kiến cũng đề cập cụ thể những trường hợp như của ngành Than với những bài toán đặt ra khi tỷ lệ cơ giới hóa trong công tác đào lò và khai thác vẫn ở mức chưa cao dẫn đến năng suất lao động thấp, tỷ lệ tổn thất vẫn ở mức cao, hệ số thu hồi than có xu hướng tăng dần nhưng không đáng kể. Trong khi đó giá thành sản xuất ngày càng cao, lao động có xu hướng giảm và khó tuyển dụng...

Một số chỉ số phân tích về hiện trạng phát triển ngành Công Thương:

- Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân theo giá so sánh năm 2010 giai đoạn 2000-2006 là 16,3%/năm, giai đoạn 2007-2013 chỉ đạt 8,5%/ năm.

- Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp giai đoạn 2001-2006 là 8,1%, giai đoạn 2007-2013 tăng 6,1%/năm (giá so sánh 2010).

- Năng suất lao động ngành công nghiệp giảm 2,2% trong giai đoạn 2006-2010 và tăng 0,9% trong các năm 2011-201.

- Hiệu quả của sản xuất công nghiệp: tỷ lệ VA/GO toàn ngành có xu hướng giảm dần từ 23% năm 2009 xuống còn 21% năm 2013, thể hiện đầu tư chủ yếu theo bề rộng (tăng trưởng theo GO) mà không theo chiều sâu (tăng trưởng theo VA).

Mục tiêu cơ bản trở thành nền công nghiệp hóa

Các ý kiến thống nhất cao với mục tiêu bao trùm của bản Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương hướng đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho ý kiến chỉ đạo, định hướng cho Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh nội dung Đề án. Trong đó, tái cơ cấu ngành phải đi theo hướng giải quyết các vấn đề đang tồn tại ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành Công Thương nhằm tăng nhanh xuất khẩu, cải thiện thâm hụt thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu lớn; xây dựng nền thương mại trong nước phát triển bền vững, hiện đại, xây dựng các kênh phân phối hợp lý, quan tâm phát triển thị trường trong nước, đặc biệt vùng miền núi, hải đảo, biên giới.

Đối với các ngành công nghiệp, bài toán quan trọng là đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành. Từ đó chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm chuyển dịch cơ cấu ở các ngành: Dệt may, da giày, hoá chất, cao su, nhựa, đồ uống, thuốc lá, giấy...; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất sản phẩm điện tử, cơ khí; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển cơ khí trọng điểm. Phát triển nguồn năng lượng phù hợp với quá trình phát triển của đất nước.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ hơn thực trạng của các ngành, lĩnh vực, nêu rõ mặt tích cực, hạn chế, định hướng, dự báo và kinh nghiệm phát triển của các nước trong từng ngành, lĩnh vực để đưa ra giải pháp tái cơ cấu cụ thể. Đặc biệt là các giải pháp tái cơ cấu, đổi mới, sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước của ngành, chỉ ra khung phát triển cho toàn bộ ngành với những ngành/lĩnh vực mũi nhọn trong định hướng phát triển.

>>>Tái  cấu để đảm bảo an toàn nợ công

Theo Nguyên Linh

huongtt

Chinhphu.vn

Trở lên trên