MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức mua tăng cao giữa “nỗi lo” lạm phát thấp

Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2374,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 9,1%; cao hơn mức tăng 7,3% của cùng kỳ năm 2014).

Theo công bố của Tổng cục thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 270,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2374,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 9,1%; cao hơn mức tăng 7,3% của cùng kỳ năm 2014).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt 1802,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành hàng tăng khá: Lương thực, thực phẩm tăng 15%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước tăng 13,2%; may mặc tăng 10,9%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 10,6%; phương tiện đi lại ước tăng 8,1%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng đạt 276,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng mức và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Hải Phòng tăng 23,9%; Bình Dương tăng 19,1%; Thanh Hóa tăng 18,6%; Hà Nội tăng 5,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,4%.

Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng đạt 22,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu du lịch lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,3%; Đà Nẵng tăng 7,5%; Bình Định tăng 7%; Bình Thuận tăng 6%; Hà Nội tăng 4,3%.

Doanh thu dịch vụ khác 9 tháng đạt 272,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, số liệu công bố của Tổng cục thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 9 tiếp tục giảm 0,21% so với tháng trước. So với tháng 12/2014, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 mới tăng 0,4%.

Theo Tổng cục thống kê, trong 10 năm gần đây, lần đầu tiên CPI tháng 9 đã giảm so với tháng trước. Lạm phát 9 tháng tăng thấp nhất và tăng dưới 1%. Điều này dấy lên lo ngại về việc lạm phát của Việt Nam đang quá thấp, thậm chí một số chuyên gia của Financial Times còn cho rằng “Việt Nam đang đứng trước bờ vực giảm phát”.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố chỉ số giá tiêu dùng mới đây, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, lạm phát thấp không phải do tổng cầu giảm mà hoàn toàn do yếu tố chi phí đẩy giảm đó là giá hàng hóa năng lượng và thực phẩm giảm, biến động của lạm phát chung phụ thuộc vào diễn biến giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, thực phẩm…

Đồng thời, cũng theo ông Lâm, chính sách tiền tệ được điều hành theo lạm phát cơ bản và lạm phát cơ bản ở mức 2-3% như hiện này là mức cân bằng, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên