Tăng 37% hàng xuất khẩu khi ký kết TPP
Trong vài năm đầu sau khi gia nhập TPP, lượng hàng hóa xuất khẩu của VN vào thị trường các nước tham gia hiệp định này sẽ tăng khoảng 37%, GDP của VN cũng có thể tăng 10 - 11%.
Ngày 21.11, ở Trường đại học Cần Thơ, Đại sứ Mỹ tại VN David B.Shear đã có bài phát biểu về cơ hội và thách thức của VN khi gia nhập Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đại sứ Shear cũng đề cập lợi ích mà TPP mang lại cho kinh tế VN nói chung, ĐBSCL nói riêng.
Hiện tại, TPP đang được Mỹ, VN và 10 nước khác là Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore đàm phán để xây dựng một thỏa thuận tự do thương mại đa phương, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế ở Thái Bình Dương.
Đón đầu lợi thế
Theo ông David B.Shear, khi TPP được ký kết, trong ngắn hạn, hiệp định này sẽ lập tức gửi đi một tín hiệu tích cực đến cộng đồng đầu tư quốc tế. Qua đó, độ tin cậy của cộng đồng quốc tế đối với thị trường VN sẽ tăng lên. Thậm chí, Đại sứ Shear khẳng định ngay cả trước khi được chính thức phê chuẩn, cảm nhận về thị trường VN cũng trở nên tốt hơn. Tháng 8 vừa qua, một nhóm hơn 30 lãnh đạo cao cấp của các tập đoàn từ Hồng Kông đã sang VN để tìm hiểu khả năng đầu tư vào các dự án sợi, dệt, nhuộm nhằm đón đầu và khai thác những lợi thế TPP sẽ mang lại.
Mặt khác, VN có thể hưởng lợi khi rộng cửa vào thị trường Mỹ và các nước tham gia TPP nhờ vào việc giảm thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu then chốt của VN. Trả lời báo giới, ông Shear ước tính trong vài năm đầu sau khi gia nhập TPP, lượng hàng hóa xuất khẩu của VN vào thị trường các nước tham gia hiệp định này sẽ tăng khoảng 37%, GDP của VN cũng có thể tăng 10 - 11%. Những lĩnh vực có chuyển biến ngay là hàng giày dép, trang phục, hàng nông sản xuất khẩu, trong đó có tôm, cá tra, ba sa của ĐBSCL.
Về lâu dài, theo Đại sứ Shear, với TPP thì VN có thể hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng ở khu vực và trên toàn cầu. Từ đó, các phát minh sáng tạo sẽ đem đến nhiều cơ hội hơn để chuyển lên tầng nấc cao hơn trong chuỗi giá trị thị trường. Ông đưa ra ví dụ là trong lĩnh vực nông nghiệp vốn rất quan trọng đối với ĐBSCL, TPP sẽ mở rộng cửa cho nhiều thiết bị và công nghệ nông nghiệp hiện đại giúp tăng hiệu quả, lợi nhuận, khả năng cạnh tranh.
Cơ hội từ 2 phía
Bên cạnh các lợi thế cả trong ngắn lẫn dài hạn, Đại sứ Mỹ cũng thừa nhận có một số ý kiến e ngại sớm tham gia các hiệp định tự do thương mại sẽ khiến nhiều nước thua thiệt do chưa kịp phát triển. Tuy nhiên, ông David B.Shear cho rằng việc gia nhập hiệp định tự do thương mại với các quốc gia phát triển sẽ giúp đối tác đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa, tăng cường khả năng cạnh tranh. Ông dẫn ra ví dụ về trường hợp Mexico tham gia Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ.
Khi Mỹ hoàn tất hiệp định này, Mexico lo ngại nông dân nước mình sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu gia tăng. Thế nhưng, theo ông Shear, việc rộng cửa tiếp cận thị trường Mỹ đã tạo điều kiện cho nông dân Mexico phát triển. Trong thập niên đầu tiên kể từ khi Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ được ký kết, lượng hàng nông sản từ Mexico xuất khẩu sang Mỹ đã tăng gấp đôi.
Với TPP, ông thẳng thắn khẳng định: “Tất nhiên, khi Mỹ mở cửa đón nhận sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản của VN thì ngược lại VN cũng cần mở rộng thị trường đón sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ”.
Theo Đình Tuyển - Hoàng Đình