MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng cường liên kết trong - ngoài

Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và khối DN tư nhân (DNTN) nói riêng ngày càng có thêm nhiều điều kiện trực tiếp giao thương và tiếp nhận đầu tư một cách rộng mở với các nước có nền công nghiệp và kinh tế hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội tăng trưởng và vượt qua khó khăn trước mắt, các DN đặc biệt là khối tư nhân cần nhìn nhận và xác định rõ vị trí hiện tại của mình để từ đó tìm được hướng đi đúng đắn nhất.

Cơ hội mở ra

Vai trò của khối DNTN trong tổng thể nền kinh tế là không thể phủ nhận. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam với trên 50% GDP là từ đóng góp của khối DN này. Trong báo cáo Việt Nam 2035 mới công bố vào cuối tháng 2 vừa qua của Ngân hàng Thế giới (WB), đã gợi ý các bước đưa Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình cao trong vòng 2 thập niên tới, nhấn mạnh tầm quan trọng của khối DNTN khi cho rằng Việt Nam cần xây dựng khu vực này với khả năng cạnh tranh, thực hiện quá trình cải cách một cách hiệu quả, khuyến khích sáng tạo và tận dụng các cơ hội thương mại mới mở ra trên quy mô lớn.

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho khối DNTN cũng được WB xác định là 1 trong 3 trụ cột quan trọng, giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn tới.

TPP và AEC sẽ hình thành khu vực thị trường thống nhất, các trung tâm sản xuất có quy mô lớn bổ sung cho nhau. Việt Nam là nước có trình độ phát triển chưa cao, nhưng việc hình thành AEC và tham gia TPP sẽ có thể hỗ trợ lẫn nhau về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, hình thành khu vực kinh tế có tính liên kết cao hơn, nối kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ.

Xét về những cơ hội khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), điều đầu tiên phải kể đến đó là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mở ra điều kiện rộng rãi để không chỉ xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ với điều kiện thuận lợi, mà còn có thể tiếp nhận vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ (kể cả công nghệ nguồn) thuận lợi từ các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới.

Từ đó, có thể có thêm điều kiện tăng nhanh tỷ trọng của DN Việt tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, không chỉ ở các khâu dễ làm, gia tăng thấp, mà cả ở các khâu đòi hỏi có công nghệ cao hơn, sáng tạo hơn, phát huy các lợi thế so sánh tĩnh để phát triển năng lực cạnh tranh trong thị trường toàn cầu. Đó cũng chính là con đường để từng DN và cả nền kinh tế bớt dần sự lệ thuộc vào một đối tác cụ thể. Bản thân các DN cũng cho rằng hội nhập TPP sẽ mở ra cơ hội cạnh tranh lành mạnh, tiếp cận các thị trường hàng hóa của các quốc gia phát triển khi có nhiều chính sách ưu đãi thuế quan...

Mở ra cơ hội nhưng các FTA đang thi hành cũng đặt Việt Nam ở vị thế trực tiếp cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Từ đó cũng xuất hiện các khó khăn thách đố mới đa dạng hơn. Với việc mở ra thị trường liên kết chặt chẽ với 55 nước trên thế giới, trong đó có 10 nước khu vực, các FTA sẽ có độ tương tác khá đa dạng. Các nhà hoạch định chính sách và từng DN phải chủ động lựa chọn phương hướng sản xuất, kinh doanh và liên kết trong-ngoài nước một cách cụ thể hơn. Do đó các DN Việt sẽ phải đối mặt với một số khó khăn không nhỏ.

Biết người, biết ta và yêu cầu cải cách

Trước hết là khó khăn nội tại. Hầu hết DN nội địa thuộc khu vực tư nhân là DNNVV, với quy mô DN trung bình chỉ dưới 30 công nhân, rất ít DN lớn; quy mô vốn và tài sản, trình độ khoa học công nghệ (KHCN) cũng khá thấp. Do đó, nếu chỉ liên kết trong nhà, tức “cơm chấm cơm”, sẽ khó cạnh tranh ngay trong thị trường AEC, càng khó hơn khi tham gia TPP.

Trong khi đó, nếu muốn mở ra liên kết với các nền kinh tế lớn, công nghệ cao của TPP, tiềm lực về vốn, công nghệ và nhân lực không cao sẽ khó hình thành các đơn vị có khả năng tham gia cạnh tranh bình đẳng. Kinh nghiệm giao thương quốc tế cũng có nhiều hạn chế, làm cho khả năng hội nhập gặp nhiều khó khăn, kể cả trình độ ngoại ngữ, pháp lý...

Nếu chỉ liên kết trong nhà, tức “cơm chấm cơm”, sẽ khó cạnh tranh ngay trong thị trường AEC, càng khó hơn khi tham gia TPP. Tuy nhiên, suy cho cùng, khó khăn lớn nhất vẫn là vượt qua được chính mình, tạo dựng ý chí chủ động vươn lên trong khó khăn, trước hết giành phần thắng trên sân nhà, thị trường nội địa. Từ đó từng bước tìm các kẽ nhỏ để đưa sản phẩm, dịch vụ của DN tiếp cận thị trường quốc tế.

Thứ hai, khó khăn về môi trường thể chế. Mặc dù Việt Nam đã chủ động thương lượng và ký kết AEC, TPP, nhưng khuôn khổ pháp lý còn nhiều điểm phải sửa đổi để không chỉ nâng cấp và đồng bộ hóa hệ thống quản lý nhà nước và đội ngũ công chức có điều kiện tạo dựng môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất cho DN (trong đó có chính sách về đảm bảo quyền sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ… khá mới mẻ trong nước và xử lý các tranh chấp quốc tế). Những khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính... cũng là khó khăn không nhỏ. Đó là chưa kể tới tư tưởng sính ngoại, đối xử không công bằng khu vực tư nhân trong nước, cũng gây khó dễ cho DN.

Thứ ba, khó khăn khách quan khi các DNTN phải hội nhập trong một sân chơi chung, chấp nhận cạnh tranh, nhưng ít hiểu biết về những vấn đề phức tạp của pháp lý và thông lệ quốc tế, kể cả ngoại ngữ, văn hóa đa dạng. Trong điều kiện thế giới đầy biến động, các khó khăn này càng tăng lên khi các nước cũng đều muốn tiến ra thị trường quốc tế.

Hầu hết DN đều cho rằng việc các nhà đầu tư nước ngoài vào cạnh tranh với DN trong nước, phòng vệ thương mại hay hàng rào kỹ thuật sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đến tăng trưởng của DN trong thời gian tới. Trong quá trình cạnh tranh, chỉ DN mạnh mới có điều kiện cạnh tranh thành công. Hàng rào kỹ thuật có thể giúp yểm trợ DN ở khía cạnh này hay khía cạnh khác nhưng cũng rất hạn chế. Do đó, dù không loại trừ khả năng dùng hàng rào kỹ thuật một cách linh hoạt để bảo hộ lợi ích của người tiêu dùng trong nước và DN làm ăn chân chính, chống lại cách làm ăn kiểu “lấy thịt đè người”, nhưng các giải pháp bảo hộ này cũng cần tuân thủ các quy định quốc tế trong hội nhập.

Nâng tầm tư duy chiến lược

Hiện nay, DNNVV nói chung và DNTN nói riêng được xác định là lực lượng chủ chốt của nền kinh tế nước ta. Vì thế cần phải có sự hỗ trợ tích cực khối DN này, giúp họ đủ sức cạnh tranh với các DN có tiềm lực mạnh, DN nước ngoài. Theo đó, với Nhà nước, cần có chính sách hỗ trợ đúng quy định của các thỏa thuận hội nhập để DNNVV, DNTN có thể tham gia tốt nhất vào toàn bộ dây chuyền sản xuất nội địa và toàn cầu. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ khối DN này để liên kết với nhau và tham gia mạng lưới của các DN lớn hơn (cả trong và ngoài nước).

Thí dụ, chính sách thuế cần điều chỉnh để khuyến khích việc cung ứng sản phẩm và bán thành phẩm sản xuất trong nước hơn là nhập khẩu miễn thuế. Cần có những đăng ký để hỗ trợ các sản phẩm có địa chỉ xuất xứ, nhất là với các sản phẩm truyền thống (nước mắm, cà phê, hoa quả…). Cũng cần xây dựng và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ với vai trò đầu tư mồi cho các nghiên cứu sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới…

Cải tiến công tác quy hoạch, hình thành các dịch vụ logistics hiệu quả cũng góp phần nâng sức cạnh tranh. Với bản thân các DN, cần có những nỗ lực tối đa để cải tiến quản trị nội bộ và tiến hành những liên kết hợp lý để nâng cao khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt.

Trong hoàn cảnh mới, DNTN Việt Nam cần tăng cường liên kết với nhau và với các loại hình DN để cùng vượt khó. Tất nhiên, thói quen làm việc trong các tập thể đa dạng chưa được phổ biến, những bỡ ngỡ ban đầu sẽ gây thêm khó khăn, thậm chí cả thất bại và trả học phí nhất định. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu, tìm đối tác nước ngoài để liên kết cùng làm ăn.

Bởi Việt Nam đang có lợi thế là 4,5 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, với hàng trăm ngàn chuyên gia bậc cao đang hoạt động, chắc chắn sẽ là cầu nối tới thành công. Vì thế, con đường tiến lên về lâu dài của khối DNTN không phải là làm thêm nhiều hàng rào, dù được mang danh hàng rào kỹ thuật, mà cần nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ cải tiến của bản thân DN và quản lý của Nhà nước để hội nhập thành công. Đó là cách căn cơ để mở cửa thành công. Ngay Nhật Bản cũng đang phải tính đến hạ gỡ các hàng rào bảo hộ đối với các lĩnh vực nông lâm thủy sản lâu nay được che chắn rất kỹ, là thí dụ để thấy trong thế giới hội nhập cần có tư duy chiến lược thích hợp.

Theo GS. Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên