Tăng trưởng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, mục tiêu GDP năm 2016 đang bị “đe dọa”?
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 có thể chỉ đạt khoảng 5,46% và không đạt được mục tiêu đề ra là những lo ngại được chính cơ quan Chính phủ đưa ra cảnh báo.
- 28-03-2016Tới 2020, GDP bình quân đạt 3.200-3.500 USD: Cần nỗ lực lớn
- 26-03-2016Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Xâm nhập mặn và khô hạn có thể khiến GDP 2016 chỉ đạt 5,45%?
- 25-03-2016GDP quý I tăng 5,46%, kinh tế có dấu hiệu chững lại
- 21-03-2016Chính phủ lo ngại GDP bình quân người Việt đang thua xa các nước trong khu vực
GDP quý I/2016 đạt mức 5,46%, nền kinh tế có dấu hiệu chững lại là cảnh báo được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra trong buổi họp báo công bố GDP quý I.
Như vậy, so với mức tăng 6,12% của quý I/2015 thì GDP quý I ở trên đà giảm tốc. Tổng cục Thống kê cho biết, mức tăng GDP của quý I/2016 chỉ cao hơn so với mức tăng GDP của các năm 2012 – 2014 – là giai đoạn nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Đáng chú ý, tăng trưởng GDP quý I giảm so với cùng kỳ, được ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) chỉ ra là mức giảm này đều diễn ra ở cả ba lĩnh vực nông nghiệp, khai khoáng và công nghiệp chế biến chế tạo .
Lý giải về nguyên nhân khiến GDP giảm, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay: Giá rét ở miền Bắc, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên và sạt lở trên diện rộng, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt ngành nông nghiệp, công nghiệp và xuất nhập khẩu những tháng đầu năm 2016.
Trong đó, ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn nhất. Dẫn chứng là sản lượng lúa giảm khoảng 700 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước và sản lượng cây trồng vụ đông ở miền Bắc đạt thấp nên ngành nông nghiệp bị âm gần 2,7%, riêng trồng trọt giảm tới 6%.
“Nông nghiệp từng là cứu cánh của nền kinh tế nhưng lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực này tăng trưởng âm. Mức tăng trưởng thấp trong quý I đang “đe dọa” mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 mà Quốc hội giao là 6,7%” – Ông Lâm lo ngại.
Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ diễn ra vào cuối tuần trước, những lo ngại về tăng trưởng GDP cũng được người đứng đầu ngành Kế hoạch và đầu tư đặt ra khi báo cáo lên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn chỉ ra: Tốc độ tăng GDP và tăng khu vực công nghiệp chậm lại, thấp hơn nhiều so với quý I/2015.
Không chỉ lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn khiến mức tăng trưởng giảm, mà nhiều chỉ số cho thấy, bức tranh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khi chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2015; nhập khẩu lại giảm 4,8% so với cùng kỳ năm cho thấy nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho sản xuất giảm….
“Nếu tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục gặp khó khăn; khai thác dầu thô chỉ khoảng 14,02 triệu tấn như kế hoạch và công nghệ chế biến chế tạo phấn đấu đạt 11% thì tốc độ tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt khoảng 5,45%” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Có thể thấy rõ, tăng trưởng GDP của cả năm đang bị “đe dọa” bởi hàng loạt các yếu tố bất lợi cả trong và ngoài nước. Thực tế đáng lo ngại này được đặt ra với các nhà quản lý điều hành, khi mà mục tiêu tăng GDP của năm 2016 được Quốc hội đặt ra cao hơn so với mục tiêu 6,7% trong năm nay. Vấn đề này càng có ý nghĩa quan trọng khi đây là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Du Lịch, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng GDP quý I/2016 tăng trưởng thấp hơn một phần nguyên nhân là do trong có một tháng hoạt động sản xuất, kinh doanh nghỉ Tết kéo dài. Trong khi đó, diễn biến bất lợi của thời tiết cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Lịch rằng một quý chưa thể đánh giá hết được hiệu quả hoạt động của nền kinh tế. Do đó, không thể cho rằng GDP quý I/2016 tăng thấp thì "đe dọa" mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Trong khi nhiều yếu tố thuận lợi của nền kinh tế được phát huy, dư địa cho phát triển kinh tế vẫn còn, nên đây sẽ là tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các quý còn lại của năm.