MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tăng tốc thoái vốn, cổ phần hóa

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất cho biết, năm nay Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo phương án sắp xếp doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Cùng với đó, căn cứ quy hoạch phát triển ngành hoá chất, thực hiện việc góp vốn thành lập công ty cổ phần Tập đoàn nắm giữ cổ phần chi phối để triển khai các dự án về khai thác và chế biến khoáng sản; phân bón, hoá chất cơ bản và hoá dược khi có đủ điều kiện.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển nhượng vốn, đặc biệt tại các công ty liên doanh, Tập đoàn kiến nghị Chính phủ xem xét, bên nhận chuyển nhượng phần vốn của Tập đoàn tại các công ty liên doanh được kế thừa quyền lợi của Tập đoàn, không phải nộp tiền thuê đất đối với phần diện tích mà Tập đoàn đã tham gia góp vốn cho đến khi kết thúc thời hạn thuê đất theo các hợp đồng thuê đất đã ký.

Báo cáo từ Tập đoàn Hoá chất cho biết, trong năm 2015, công tác cổ phần hoá và thoái vốn tại Tập đoàn mặc dù đã triển khai tích cực, trung bình đạt hơn 65 - 84%, song vẫn còn nhiều khó khăn tại một số đơn vị.

Cụ thể, với công tác cổ phần hoá, Tập đoàn đã hoàn thành cổ phần hoá 5/6 doanh nghiệp, đạt 83%, tổng giá trị thu về hơn 975 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đạm Ninh Bình, Tập đoàn đã khẩn trương, tích cực triển khai việc cổ phần hoá nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra do còn nhiều khó khăn, vướng mắc khách quan.

Theo ông Bùi Thế Chuyên, đây là do việc quyết toán hoàn thành dự án và xử lý khoản lỗ luỹ kế của dự án. Tập đoàn cũng đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xem xét cho lùi việc thực hiện cổ phần hoá vào sau năm 2015, khi những khó khăn của công ty được tháo gỡ và hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, đảm bảo cổ phần hóa hiệu quả.

Đối với công tác thoái vốn, Tập đoàn đã thoái vốn xong tại 13/17 doanh nghiệp, thu về hơn 674 tỷ đồng (đạt gần 66%). Còn lại các doanh nghiệp chưa thoái vốn được là Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội, TPC Vina, Cao su Inoue Việt Nam và Pin Ắc quy Vĩnh Phú.

Với 4 doanh nghiệp chưa thoái vốn được, ông Chuyên cho biết, Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội đã thực hiện đấu giá 2 lần nhưng không thành công do số lượng cổ đông tham gia đấu giá không đủ điều kiện theo Quy chế bán đấu giá; Công ty TPC Vina, Tập đoàn đã chào giá chuyển nhượng lần 2 tới các thành viên góp vốn trong công ty liên doanh nhưng các đối tác này trả giá thấp hơn khoảng giá đã thẩm định và kèm theo các điều kiện tiên quyết...

Hiện Tập đoàn đã báo cáo và đang chờ chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Còn lại 2 đơn vị đang gặp khó về nghĩa vụ tài chính với đất góp vốn và chưa cung cấp thông tin để lập hồ sơ xin bán đấu giá công khai.../.

Theo Đức Dũng

TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên