Thách thức lớn nhất: Chấp nhận hy sinh để tái cơ cấu?
Do kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn nên các chỉ tiêu kinh tế - xã hội ba năm 2011 - 2013 trong Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 đều đạt thấp so với Nghị quyết của Quốc hội.
Quá trình tái cơ cấu đã triển khai được 2 năm song dường như ở một số lĩnh vực, chúng ta chưa thực sự có quyết tâm thực hiện tái cơ cấu. Nếu Việt Nam không thực hiện được tái cơ cấu nền kinh tế thì sẽ đánh mất cơ hội lần này và dẫn tới hệ lụy về lâu dài.
Phóng viên: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 đã đi được 2/3 chặng đường. Đại biểu nhìn nhận như thế nào về quá trình phát triển 3 năm vừa qua của nước ta?
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 15 điều chỉnh mục tiêu tổng quát theo hướng tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Sự điều chỉnh này nghe có vẻ đơn giản, nhưng phải sống trong thời điểm đó, thấy được sự thay đổi của liều lượng chính sách ngay sau Đại hội XI của Đảng, thì mới thấy rõ sự thay đổi táo bạo, quyết tâm chính trị lúc đó.
Và thực tế 3 năm qua cho thấy, đây là lựa chọn đúng đắn. Nếu lúc đó, Đảng và Nhà nước ta không quyết định điều chỉnh mục tiêu kịp thời thì không thể đưa lạm phát xuống một con số như hiện nay và có lẽ bất ổn kinh tế vĩ mô tiếp tục gây hại với nền kinh tế nước ta. Việc chuyển hướng mục tiêu đúng, quyết tâm cao trong thực hiện chính sách đã tạo ra sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Kinh tế vĩ mô ổn định là dấu ấn thứ hai và cũng là thành tựu lớn trong 3 năm vừa qua. Lạm phát đã được kiểm soát thành công, đưa từ mức 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012. Khi xây dựng kế hoạch đưa lạm phát xuống một con số, đã có nhiều ý kiến chuyên gia cũng như các tổ chức quốc tế không tin nước ta có thể thực hiện được mục tiêu này.
Kinh tế vĩ mô ổn định thể hiện qua việc cán cân thanh toán cân bằng, từ đó giúp tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng. Và nền kinh tế đã chuyển từ tiết kiệm ít sang tiêu dùng nhiều hơn, làm cho cán cân vãng lai lên đến 10 tỷ USD, nhưng hiện đã cân bằng, thậm chí là thặng dư. Thị trường tài chính đã ổn định hơn trước đây, dù vẫn chưa thể khẳng định là bền vững.
Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu đã bước đầu đạt được một số thành tựu. Điều thấy rõ nhất là chỉ số ICOR đã giảm từ 6,7 giai đoạn 2008 – 2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011 – 2013, chất lượng đầu tư đã được cải thiện. Yếu tố này cùng với việc kinh tế vĩ mô ổn định sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nước ta trong những năm tới.
Chỉ số đánh giá rủi ro từ thị trường – chỉ số đánh giá mức độ rủi ro của một quốc gia – cũng đã giảm từ 400 điểm xuống còn gần 250 điểm. Chỉ số này giảm có nghĩa nhà đầu tư nước ngoài thấy đầu tư vào Việt Nam ít rủi ro hơn thời gian trước, theo đó là việc mức lãi suất vay vốn sẽ giảm thấp hơn. Đây là sự chuyển động lớn của nước ta trong năm 2013, cũng như trong 3 năm 2011-2013.
Ngoài ra, hiện các chỉ số khác như chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, chỉ số đánh giá triển vọng kinh tế, môi trường kinh doanh của nước ta đã tăng 5-7 bậc; lượng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng 36% so với cùng kỳ năm 2012. Những chỉ số này đạt được là do kinh tế vĩ mô nước ta đã ổn định.
Đấy là những kết quả tích cực rất đáng ghi nhận mà kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được trong bối cảnh khó khăn của 3 năm qua. Nhưng, trong 3 năm qua, cũng đang còn không ít vấn đề đặt ra với nước ta, thưa Đại biểu?
Đầu tiên là việc doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang hết sức khó khăn, trong đó khu vực doanh nghiệp trong nước khó khăn hơn nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài. Tăng trưởng kinh tế nước ta giữ ở mức 5% hay các thành tích về xuất khẩu, sản xuất công nghiệp phục hồi... thực tế là dựa vào khu vực doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô nhưng chưa thực sự bền vững, do vậy, cần tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp đã đề ra.
Trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô thì vấn đề là phải duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Bởi có duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý thì mới có công ăn, việc làm cho người lao động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, duy trì các hoạt động kinh doanh. Nếu không duy trì được mức tăng trưởng hợp lý thì sẽ khiến thu ngân sách giảm, làm mất cân đối một số lĩnh vực trong tương lai, hay nói cách khác là không bảo đảm ổn định vĩ mô về lâu dài. Vì vậy, cần xác định được đâu là điểm giới hạn tăng trưởng để đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế thích hợp trong năm 2014 cũng như năm 2015.
Tôi đồng tình với đề xuất đặt mục tiêu tăng trưởng từ 5,7 đến 5,8% trong năm 2014 của Chính phủ. Muốn thực hiện được mục tiêu này thì phải duy trì tổng cầu của nền kinh tế ở mức hợp lý. Nhưng cũng cần xác định rõ, việc tăng tổng cầu chỉ là động lực tăng trưởng trong ngắn hạn. Động lực tăng trưởng trong trung hạn phải là nâng cao năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế.
Từ kết quả 3 năm qua, dựa trên xu hướng 2 năm còn lại của kế hoạch 5 năm đã có ý kiến cho rằng, nước ta sẽ không thực hiện được nhiều chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2011 - 2015. Việc không thực hiện được mục tiêu của giai đoạn này có tác động như thế nào đến kinh tế nước ta trong thời gian tới, thưa Đại biểu?
Trước hết, cần nhìn lại là tình hình kinh tế thế giới trong 3 năm qua có những diễn biến nằm ngoài mọi dự đoán, thậm chí thời gian kinh tế suy thoái lâu như hiện nay có lẽ cũng không quốc gia nào lường được. Vì thế, trong 2 năm tới, không nên quá phụ thuộc vào việc thực hiện các chỉ tiêu cụ thể. Điều quan trọng là thực hiện mục tiêu tổng quát trong 2 năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2011-2015 được Nghị quyết của Quốc hội xác định là: bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Hiện nay, nước ta đang có ba thuận lợi lớn.
Thứ nhất, việc kinh tế vĩ mô ổn định đã tạo lòng tin lớn với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, nước ta đang tiếp tục đàm phán ký kết các hiệp ước song phương, đa phương để hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Đây là cơ hội tương tự như việc nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thậm chí là còn cơ hội lớn hơn.
Thứ ba, nếu trong một vài năm tới, quá trình tái cơ cấu đạt được những kết quả rõ rệt hơn, thì cùng với hai cơ hội đã nêu trên sẽ tạo thành động lực phát triển tốt, thực hiện được kỳ vọng phục hồi tốc độ tăng trưởng như trước đây (từ 7% trở lên). Như vậy, cơ hội phát triển và bứt phá với nước ta vẫn còn nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, nước ta vẫn có một số thách thức. Trong nền kinh tế thị trường, lòng tin là yếu tố quan trọng. Nếu chúng ta tin tưởng vào tương lai, cố gắng cơ cấu lại doanh nghiệp, tiếp tục đầu tư thì kinh tế sẽ phát triển. Ngược lại, nếu chúng ta cầm chừng, không mạnh dạn đầu tư thì kinh tế sẽ khó phát triển. Thách thức thứ hai, chúng ta có chấp nhận hy sinh trong quá trình tái cơ cấu hay không?
Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã triển khai được 2 năm, song dường như ở một số lĩnh vực, chúng ta chưa thực sự có quyết tâm thực hiện tái cơ cấu. Nếu Việt Nam không thực hiện được tái cơ cấu nền kinh tế thì sẽ đánh mất cơ hội lần này và dẫn đến hệ lụy về lâu dài. Bài học kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, do không có sự quyết tâm cao, loay hoay trong thực hiện tái cơ cấu nên nước này đã mất hai thập kỷ, chưa phục hồi được tăng trưởng. Nếu nước ta để tuột cơ hội lần này, kinh tế không vực dậy được thì có lẽ sẽ không chỉ là khó khăn trong một vài năm mà có thể còn kéo dài hơn nữa.
Tại Kỳ họp thứ Sáu này, Quốc hội cần xác định những định hướng nào cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong năm 2014 và năm 2015?
Trước mắt, trên nền tảng giữ ổn định kinh tế vĩ mô cần quan tâm và ứng phó ngay với tình trạng tăng trưởng thấp. Theo tính toán, nếu kéo dài mức tăng trưởng chỉ ở mức 5% trong 2 năm tới thì sẽ dẫn đến hệ lụy là mất ổn định kinh tế vĩ mô trong trung và dài hạn. Bởi tăng trưởng chỉ xoay quanh mốc 5% thì nguồn thu ngân sách sẽ không dồi dào, ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô. Việc làm không có sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ. Vì vậy, tôi cho rằng trong năm 2014 phải duy trì tăng trưởng từ mức 5,5% GDP trở lên, nhưng không được nôn nóng để giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.
Muốn tăng trưởng hợp lý thì phải duy trì tổng cầu để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp. Thương mại, đầu tư phải được sưởi ấm thì mới tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, tạo việc làm. Với tình hình hiện nay thì cần tăng mức bội chi ngân sách lên 5,3% GDP như đề nghị của Chính phủ và tăng phát hành trái phiếu Chính phủ để tăng đầu tư công vào những lĩnh vực thiết yếu, qua đó duy trì tổng cầu ở mức hợp lý, không để thấp quá.
Song xin nhấn mạnh đây chỉ là những giải pháp tình thế để đối phó với tình trạng tăng trưởng thấp hiện nay. Giải pháp cần quan tâm thực hiện trong 2 năm tới là thực hiện tái cơ cấu quyết liệt hơn và tạo ra kết quả rõ rệt.
Lâu dài hơn, cần thay đổi cách thức quản lý ngân sách nhà nước, không nên giữ cái nhìn ngắn hạn, quyết định ngân sách theo từng năm mà cần chuyển sang xây dựng kế hoạch ngân sách trung hạn. Dự toán ngân sách nhà nước có thể lập từng năm, nhưng nếu tính đến kế hoạch chi tiêu thì phải có tầm nhìn trung hạn. Quốc hội cần xem xét, quyết định kế hoạch ngân sách trung hạn, với hạng mục cơ bản, nêu rõ chỉ tiêu nợ công, an toàn tài chính quốc gia. Có như vậy mới nhìn ra nợ công, nợ Chính phủ và nợ quốc gia sẽ diễn biến như thế nào trong từng năm và trong cả giai đoạn.
Khi thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn trước đề xuất của Chính phủ tăng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 và phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016. Theo tôi, đại biểu Quốc hội băn khoăn vì Chính phủ chưa thuyết trình được nợ công và cân đối thu chi trong những năm tiếp theo sẽ thế nào.
Đối với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, Nghị quyết của Quốc hội nên lựa chọn một vài nội dung cốt tử để thực hiện trong năm 2014 và 2015. Mà có lẽ việc cần làm đầu tiên là tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp Nhà nước và khu vực nông nghiệp. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, động lực phát triển của khu vực nông nghiệp đã cạn kiệt nên cần tìm được một động lực mới để tạo sức bật mạnh mẽ hơn cho khu vực này. Đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước, đúng là trong thời gian qua đã làm được một số việc nhưng có lẽ vẫn chưa thực sự chạm đến gốc của vấn đề.
Vấn đề này thực chất đã được các chuyên gia đưa ra từ lâu là tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu. Điều này đã cụ thể hóa trong Luật Doanh nghiệp năm 2003, nhưng đến nay hình như chúng ta đang còn loay hoay. Vừa qua đã có phân chia rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng và lãnh đạo địa phương. Nhưng đây chỉ là phần nhỏ nên thực chất thì cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện chủ sở hữu, chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vẫn là ba trong một, không ai chịu trách nhiệm cuối cùng.
Trong một cơ chế quản lý như vậy thì doanh nghiệp Nhà nước khó có thể được tầm vóc lớn hơn. Vì vậy, tôi cho rằng cần thành lập cơ quan độc lập để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu và chịu trách nhiệm giám sát cũng như chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.