MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất thoát chi tiêu công, sao nâng trần bội chi?

Báo cáo kiểm toán về niên độ ngân sách năm 2011 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, riêng số tiền sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức trong năm 2011 là hơn 1.840 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho biết, việc nới trần bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% GDP cần phải cân nhắc thận trọng vì sẽ làm tăng thêm nợ công. Theo đó, để giải quyết, nên tính tới việc áp dụng chính sách đặc biệt với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tăng cường giám sát chi tiêu công.

Công quỹ chi sai hàng nghìn tỷ đồng

 Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ gần đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, cứ bội chi thêm 1% GDP sẽ có thêm khoảng 40.000 tỷ đồng từ ngân sách để chi cho các mục tiêu. Trước đây cứ 100 đồng GDP, có trên 30 đồng để đầu tư; nay chỉ còn 19 đồng. 

Trước bối cảnh nguồn thu gặp nhiều khó khăn, mới đây Chính phủ đề xuất được nâng trần bội chi ngân sách từ 4,8% GDP năm nay lên 5,3% GDP cho năm sau vì nhu cầu đầu tư đang rất lớn, trong khi vấn đề huy động vốn rất khó khăn. Theo tính toán của Chính phủ, chỉ cần tăng bội chi thêm 1% GDP sẽ có thêm 40.000 tỷ đồng từ ngân sách để chi cho phát triển.

Về vấn đề đầu tư công và chi tiêu ngân sách, TS.Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, việc quản lý tài chính của chính quyền địa phương còn nhiều bất cập. Dù vốn thiếu, nhưng nhiều địa phương vẫn đầu tư hoành tráng. Riêng số nợ đọng xây dựng cơ bản của 63 địa phương đến hết năm 2011 lên tới 91.273 tỷ đồng.

Có 15/63 địa phương nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản ở mức trên 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2011. Trong khi phần lớn các địa phương này đều thuộc diện có số thu ngân sách thấp, nhưng tỉ lệ đầu tư xây dựng cơ bản lại rất cao.

Theo ông Thăng, việc sử dụng công quỹ sai quy định cũng là vấn đề đáng lo ngại. Báo cáo kiểm toán về niên độ ngân sách năm 2011 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, riêng số tiền sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức trong năm 2011 là hơn 1.840 tỷ đồng.

Tiền chi hỗ trợ không đúng chế độ, nhiệm vụ 41,6 tỷ đồng; chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức 196 tỷ đồng; sử dụng nguồn dự phòng ngân sách sai mục đích 238,6 tỷ đồng; cho vay sai quy định 33 tỷ đồng; tạm ứng sai quy định 1.125 tỷ đồng. Còn số tiền cho vay, tạm ứng chậm thu hồi cũng lên tới 3.008 tỷ đồng. Trong khi hàng năm ngân sách vẫn phải đi vay và trả lãi cho các khoản tiền nói trên.

Về đề xuất nâng trần bội chi của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, việc nâng trần bội chi ngân sách là điều Chính phủ cũng như nhà nước không mong muốn. Điều này được ví như người bình thường lại muốn uống thuốc kháng sinh. “Về mặt lý thuyết, đây là các yếu tố có thể gây nên việc tăng chỉ số giá tiêu dùng cho các năm 2014, 2015. Tuy nhiên nếu chúng ta điều hành tốt, đưa được càng nhiều các công trình, dự án vào sử dụng phục vụ cho nền kinh tế, khả năng này sẽ được giảm thiểu tối đa”, ông Kiên nói.

Giám sát chi tiêu định kỳ

Trước việc thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, trong bối cảnh khó khăn phải có những giải pháp mới để phát triển nguồn thu thay vì tập trung vào những nguồn thu đang cạn kiệt. Việc tập trung bán cổ phần nhà nước tại các DNNN hay bán các khu đất vàng tại các thành phố lớn cũng là giải pháp đáng cân nhắc.

Một biện pháp quan trọng có thể giúp tăng thu cho ngân sách ngay bằng việc sử dụng giải pháp kỹ thuật để chuyển nhanh trong vòng 30 ngày những tập đoàn kinh tế lớn, DNNN kinh doanh hiệu quả thành công ty cổ phần (với 3 cổ đông là nhà nước, công đoàn, đảng ủy). Mục đích của giải pháp này là thu cổ tức hàng năm từ những DN đang được hưởng những đặc quyền kinh doanh lớn.

Với quan điểm dù có cho nâng trần bội chi cũng không thể cứu vãn được toàn bộ nền kinh tế, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế đang yếu, việc tăng đầu tư công để kích thích kinh tế là không phù hợp, thậm chí có thể gây tác dụng phụ.

Theo chuyên gia này, phần lớn ngân sách hiện dành đầu tư vào các công trình cơ sở hạ tầng, đầu tư công… nên không tạo ra nhiều việc làm, của cải cho xã hội mà còn nảy sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng, gây thất thoát.

“Để nhẹ gánh cho ngân sách, việc đầu tiên là phải kiểm soát chặt chẽ chi tiêu của Chính phủ và các bộ ngành. Đây là việc đầu tiên phải làm. Ở các nước họ có chính sách công bố các khoản chi tiêu định kỳ của chính phủ để người dân cùng giám sát. Cùng đó phải xem xét lại mức và quy định về đầu tư công. Những dự án, công trình nào không cấp thiết có thể hoãn, lùi sang năm”, ông Thành nói.

Theo đó, để giảm gánh nặng cho ngân sách, địa phương chỉ được bố trí vốn cho các dự án mới sau khi đã có đủ vốn để xử lý nợ đọng theo kế hoạch. Những địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, không được bố trí vốn cho việc khởi công mới các dự án. Trường hợp cần thiết, có thể đình hoãn một số dự án để xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Theo Phạm Tuyên

thunm

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên