Thay nhiệt điện than bằng nhiệt điện khí: Không dễ
Đại diện Tổng cục Năng lượng, EVN cho rằng do không chủ động được nguồn cấp khí nên phát triển nhiệt điện khí gặp nhiều khó khăn.
- 24-01-2016Ai lợi, ai thiệt từ yêu cầu cắt giảm nhiệt điện than?
- 19-01-2016Nam Định sẽ xây nhà máy nhiệt điện 2 tỉ USD
- 17-12-2015Vấn đề toàn cầu từ chuyện một nhà máy nhiệt điện Việt Nam
Theo ông Tăng Thế Hùng, Vụ Kế hoạch - Quy hoạch, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), Đề án điều chỉnh quy hoạch điện VII đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến sẽ được phê duyệt và ban hành vào đầu tháng 2 tới.
Đề án điều chỉnh quy hoạch điện VII với định hướng hạn chế phát triển nhiệt điện than, tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ cao hơn dự kiến tăng lên 27.000 MW đến năm 2030. Khi phát triển năng lượng tái tạo tỷ trọng năng lượng sử dụng than sẽ giảm xuống, tuy nhiên với các dự án nhiệt điện than hiện nay vẫn phải vận hành đến hết đời sống dự án.
Cũng theo ông Hùng, để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam vẫn phải đa dạng hóa loại hình các nhà máy điện, hiện nay không có nước nào phát triển tất cả bằng năng lượng tái tạo. Trong khi nhiệt điện khí còn phải phụ thuộc vào nguồn cấp khí để thay thế nhiệt điện than. Khi thiếu nguồn cấp khí trong khi nhu cầu lớn thì vẫn phải đa dạng hóa nguồn phát điện, vẫn phát triển nhiệt điện than nhưng ưu tiên công nghệ sạch.
Trong khi đó, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, với quyết tâm giảm lượng khí thải phát sinh, giải pháp đầu tiên đối với ngành điện là không phát triển thêm nhiệt điện than. Tuy nhiên giải pháp này cũng gây nhiều lo lắng cho ngành điện vì không dùng nhiệt điện than sẽ phải dùng nhiệt điện khí.
“Nguồn khí không phải tự có, muốn phát triển lĩnh vực này phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn khí, phải phát hiện được mỏ khí, có khai thác được hay không và giá thành bao nhiêu. Điều này không phải dễ vì muốn khai thác khí phải khoan sâu nhiều km, sau đó vận chuyển hàng trăm km vào đất liền, phải có công nghệ ngưng tụ với giá thành rất đắt. Nếu nhập khẩu khí cũng cần phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hàng tỷ USD nên không dễ có thể làm được ngay một lúc”, ông Tri nói.
Ông Tri cho biết, trong Tổng sơ đồ Điện VII, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt cụm Sơn Mỹ để làm kho chứa khí cung cấp cho cả khu vực miền Nam. Mặc dù tới đây cơ hội nhập khẩu khí có thể dễ hơn nhưng chắc chắn phải cạnh tranh rất lớn trong việc cung cấp khí cho các nhà máy điện.
“Khí cho các nhà máy điện không có triển vọng sáng sủa lắm nên ngành điện buộc phải sử dụng nguồn năng lượng tái tạo đảm bảo đáp ứng nhu cầu nguồn điện mới 3.000 – 4.000 MW điện mới mỗi năm. Do vậy phải kết hợp nhiều công cụ mới có thể thu xếp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo”, ông Tri nói.
Cũng theo đại diện EVN, phát triển năng lượng tái tạo có nhiều công nghệ tốt và sạch nhưng giá thành điện sẽ không hề rẻ, và khi đó giá điện không thể thấp. Nếu giá điện thấp sẽ không thể đầu tư được, nhà tài trợ cũng không thể tài trợ được nên đây sẽ là thách thức rất lớn trong giai đoạn 5 đến 10 năm tới.
Do đó, trong thời gian tới, EVN sẽ tích cực triển khai các dự án năng lượng tái tạo, thực hiện các mô hình mẫu và đó thị trường hóa trong việc phát triển năng lượng tái tạo, từ đó hi vọng vừa giảm được cầu đồng thời tăng cung trong một số thời điểm năng lượng tái tạo thừa công suất./.