Thị trường thực phẩm: Ngoại nhanh nhảu, nội lơ ngơ
Trong khi doanh nghiệp nội vẫn tỏ ra chậm chạp, thị trường thực phẩm đang trở thành miếng bánh ngon cho doanh nghiệp ngoại với sức tiêu thụ lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Theo dự báo của Bộ Công thương, từ nay đến năm 2016, sức tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam sẽ tăng 5,1%/năm, ước đạt khoảng 29,5 tỷ USD.
Con số này đủ cho thấy sức hấp dẫn khó cưỡng của thị trường thực phẩm Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp nội vẫn "lơ ngơ" với cơ hội vàng này thì các nhà đầu tư nước ngoài đã tỏ ra nhanh nhẹn hơn trong việc thâu tóm thị phần cho mình.
Ngoại nhanh chân chiếm thị phần
Theo đánh giá trong một báo cáo mới đây của Tổ chức giám sát kinh doanh quốc tế (BMI), ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép, đạt 9,43%. Trong đó, doanh thu ngành thực phẩm đóng hộp là 5,17%, bánh kẹo là 4,65%, đồ uống có gas tăng 6,9%.
Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm và đồ uống tăng cao nên Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư.
Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp giữa 2 nước Thái Lan – Việt Nam, đại diện Cục xúc tiến Công nghiệp Thái Lan, bà Ladda Khaikham cũng thừa nhận, thị trường thực phẩm ở Việt Nam rất tiềm năng.
Trong khi đó, theo bà Ladda, doanh nghiệp Thái Lan lại rất có thế mạnh về ngành công nghiệp thực phẩm nên đây sẽ là lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp lựa chọn khi mở rộng thị trường đầu tư tại Việt Nam.
Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, một doanh nghiệp con của Tập đoàn CP (Charoen Pokphand Group) Thái Lan đã tiên phong nhắm vào thị trường thực phẩm Việt Nam bằng việc xây dựng mô hình sản xuất khép kín, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống đến sản xuất và chế biến thực phẩm. Cuối cùng là phân phối thực phẩm thông qua chuỗi cửa hàng bán lẻ.
Với mục tiêu chính là sẽ trở thành nhà cung cấp thực phẩm sạch trên khắp cả nước nên C.P. đang “nuôi” kế hoạch mở 10.000 điểm bán lẻ ở Việt Nam. Hiện nay, C.P. đang quản lý 2 chuỗi cửa hàng thực phẩm là C.P. Fresh Mart và Five Star Chicken.
Ngoài C.P., Tập đoàn Japfa Comfeed (100% vốn của Indonesia) từ ngày đầu tư vào Việt Nam cũng thực theo mô hình kinh doanh thực phẩm khép kín tại nhiều tỉnh trên cả nước. Và đích nhắm cuối cùng của doanh nghiệp này cũng chính là cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam.
Không xây dựng mô hình kinh doanh thực phẩm khép kín như C.P. hay Japfa Comfeed, một số doanh nghiệp ngoại lại “đánh thẳng” vào bàn ăn, đó là thâu tóm và mở rộng chuỗi cửa hàng kinh doanh thức ăn nhanh, hay còn gọi là fast food.
Hiện nay, kinh doanh thức ăn nhanh đang rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài với khoảng 90% thị phần. Dẫn đầu là KFC hiện chiếm 15% thị phần. Hay như Burger King, mặc dù mới gia nhập thị trường chưa lâu song hiện đã sở hữu tới 17 cửa hàng.
Điển hình nhất là thương hiệu Starbucks. Dù mới bước chân vào thị trường Việt Nam đầu năm 2013, nhưng Starbucks đã tạo được dấu ấn trên thị trường ẩm thực Việt không chỉ về số lượng khách hàng lớn mà doanh thu của doanh nghiệp này cũng được đánh giá cao.
Nội chậm chạp
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, mô hình kinh doanh thực phẩm khép kín từ chăn nuôi đến bàn ăn tại Việt Nam chủ yếu thuộc về doanh nghiệp ngoại, chiếm tới 90%, còn doanh nghiệp trong nước phát triển nhỏ lẻ và manh mún.
Theo như Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương nói thì, thời đại này không ai chỉ giết mổ hay chỉ bán thức ăn gia súc, cũng không phân phối đơn lẻ mà phải là chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết từ thức ăn chăn nuôi, giống, trang trại, vận tải, chế biến và giết mổ cuối cùng mới là phân phối. Đây mới là cách đi đúng của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp Việt Nam, mô hình này còn khá mới mẻ. Ngay cả với những doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường thực phẩm đã có thương hiệu như Vissan chẳng hạn, hiện nay cũng thừa nhận chỉ mới chủ động được 20% nguyên liệu, số còn lại phải mua từ các trại chăn nuôi và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Thực tế cho thấy, ngành chăn nuôi của Việt Nam hiện vẫn phát triển manh mún, hầu hết ở quy mô hộ gia đình, chỉ có 20% chăn nuôi công nghiệp, vì vậy nên khó gia nhập và hình thành nên chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ông Vang, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm trong nước nên nhanh chóng nắm bắt cơ hội để xây dựng mô hình này. Nó vừa giúp doanh nghiệp có đầu ra ổn định, mặt khác lại giúp người chăn nuôi có thu nhập ổn định, được bảo đảm về vốn.
“Quan trọng nhất vẫn là giúp thị trường thực phẩm trong nước ổn định về giá thành”, ông Vang khẳng định.
TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cũng thừa nhận các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm thực hiện theo mô hình khép kín sẽ chủ động được mọi mặt, và đây là mô hình mới hiện đại, các doanh nghiệp cần hướng tới.
Thị trường thực phẩm chay đắt hàng mùa Vu Lan
Theo Ngân Minh