Thị trường xe Việt sau 2018: Loạn đề xuất, mờ mịt định hướng
Trong khi người tiêu dùng tự hỏi thị trường sẽ ra sao và giá xe có giảm mạnh sau năm 2018, các hãng xe lẫn nhà quản lý vẫn mông lung với hàng loạt đề xuất giảm thuế phí khác nhau, thậm chí là trái chiều cũng như câu chuyện hỗ trợ hay không nền công nghiệp ôtô chưa có thành tựu gì lớn sau 20 năm.
Trái chiều đề xuất giảm thuế
Trong khuôn khổ buổi tọa đàm “Đối thoại chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam” do Bộ Công thương chủ trì, đại diện các liên doanh sản xuất và phân phối xe tại Việt Nam đã có cơ hội lên tiếng để tìm hướng đi cho nền công nghiệp và thị trường xe hơi sau năm 2018. Tuy nhiên, những người tham dự đã không đưa ra sáng kiến nào thật sự mang tính đột phá mà chủ yếu nêu ra các khó khăn trong thời gian tới cùng vấn đề cần giảm thuế để xe nội đủ sức cạnh tranh khi thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN giảm về 0%.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ôtô Trường Hải (Thaco) kiến nghị để duy trì và phát triển sản xuất lắp ráp ôtô trong nước, cần giảm thuế nhập khẩu linh kiện, đồng thời thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Về vấn đề này, ông Dương nêu rõ thay vì tính thuế TTĐB đối với xe lắp ráp sau khi xuất xưởng, cần chuyển sang tính thuế TTĐB đối với bộ linh kiện theo giá CIF (giá khi bộ linh kiện về tới cảng tại Việt Nam). Cách tính này nhận được sự tán đồng của nhiều người và được cho là sẽ giúp doanh nghiệp càng nội địa hoá nhiều càng có lợi do không phải chịu thuế trên những phần sản xuất trong nước.
Còn ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó tổng giám đốc Honda Việt Nam đề nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện của những dòng xe nhỏ tiết kiệm nhiên liệu vốn được đề cập đến trong chiến lược phát triển công nghiệp ôtô.
Trong khi phần lớn các liên doanh sản xuất xe trong nước đều xin giảm thuế, đại diện cho một số nhà phân phối xe nhập khẩu lại cho rằng các doanh nghiệp lắp ráp đã được hưởng ưu đãi rất nhiều về thuế và đất mà không thực hiện được các cam kết nội địa hoá của mình.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện cho Audi Việt Nam và là người được sự uỷ quyền của các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng tại Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ nên xem xét ưu đãi thuế với những doanh nghiệp, những model có tỷ lệ nội địa hoá cao và giảm thuế TTĐB tuỳ theo tỷ lệ nội địa hoá đã được các doanh nghiệp thực hiện.
Ông Dũng bày tỏ sự ủng hộ với cách tính thuế TTĐB như hiện tại của Chính phủ và cho rằng việc tính thuế TTĐB cho xe nhập khẩu nguyên chiếc tính trên giá CIF bao gồm cả chi phí sản xuất, vận chuyển quốc tế, thuế nhà SX, chi phí bán hàng, Marketing, phát triển mạng lưới bán hàng và dịch vụ… là công bằng với cách tính thuế TTĐB tính giá xe dựa trên hoá đơn xuất cho các đại lý đối với các doanh nghiệp FDI hiện nay.
Giảm hay không giảm... đều khó
Trước những đề xuất ít nhiều có sự trái ngược này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Bộ Công Thương sẽ tập hợp các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng để bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, giúp ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đi đúng hướng".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, bài toán hỗ trợ hay không hỗ trợ thuế đối với Chính phủ đều không dễ giải. Việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện CKD hay giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đều là đòn giáng mạnh vào ngân sách nhà nước và tạo tiền lệ cho doanh nghiệp các ngành khác xin cứu khi tới thời điểm phải hoà nhập thay vì tự thân vận động. Bên cạnh đó, những điều chỉnh đó còn có thể khiến ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện ôtô vốn đã yếu ớt của Việt Nam nhanh chóng chết yểu.
Bên cạnh những đề xuất được đưa ra trong buổi toạ đàm, liên doanh Toyota Việt Nam trước đó còn bị lộ bản kiến nghị chi tiết với hàng loạt đề xuất khó nhằn hơn như giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện CKD từ Nhật Bản từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất ôtô và hỗ trợ cho xe CKD 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Trong văn bản trên, liên doanh này còn "vẽ" ra các kịch bản sau năm 2018 khi có và không có ưu đãi thuế.
Dù bản đề xuất này được liên doanh này coi là "chưa chính thức" và mới gửi Bộ Công thương để bàn bạc trước khi trình chính phủ nhưng nó ít nhiều cũng đã là thông điệp mà liên doanh xe du lịch bán tốt nhất Việt Nam gửi cho các nhà quản lý trước khi quyết định sẽ sản xuất xe như thế nào tại Việt Nam.
Còn nếu các điều kiện ưu đãi không được thoả mãn, các nhà sản xuất xe vì bài toán lợi nhuận sẽ dần tính toán tới khả năng thu hẹp sản xuất và chuyển dần sang nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Trong khi các nhà sản xuất và phân phối xe chỉ xoay quanh câu chuyện giảm thuế, vấn đề giá xe vốn được nhiều người tiêu dùng quan tâm lại tiếp tục vẫn là câu hỏi lớn không có lời giải đáp. Trên thực tế, dù các doanh nghiệp xe có tiếp tục được bảo hộ hay không sau 2018, người tiêu dùng sẽ vẫn khó có cơ hội để mua xe giá rẻ bởi nhiều khả năng giá tính thuế ôtô, thuế tiêu thụ đặc biệt hay lệ phí trước bạ sẽ có sự thay đổi để bù đắp phần giảm thuế suất theo lộ trình và những mẫu xe nhập cũng không dễ ồ ạt đổ vào Việt Nam bởi vẫn còn nhiều rào cản chính sách.
>>>Thế khó ôtô Việt, nhìn từ “điều kiện” của Toyota
Theo Lâm Anh
Báo Lao động