MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút FDI: Cũ nhiệt tình, mới còn băn khoăn

Các dự án tăng vốn, mở rộng đầu tư xuất hiện nhiều hơn, chủ yếu từ những NĐT lớn và lâu năm, cho thấy đánh giá tích cực của NĐT về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Tập đoàn Texhong (Hồng Kông, Trung Quốc) đầu tư trên 300 triệu USD vào Khu công nghiệp Hải Yên (Móng Cái) và đang chuẩn bị đầu tư thêm 200 triệu USD để mở rộng sản xuất tại đây. Texhong cũng là NĐT đã có 8 năm hoạt động tại Việt Nam với 2 nhà máy tại Đồng Nai và 1 nhà máy tại Quảng Ninh.

Lý giải kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư sản xuất tại Quảng Ninh là nhằm tận dụng vị trí địa lý để khai thác thị trường hiệu quả hơn, ông Hồng Thiên Trúc, Chủ tịch Texhong phân tích, Trung Quốc ngay trước mặt là thị trường rộng lớn mà NĐT này không thể để mất. Bởi vậy, Quảng Ninh dù có vẻ không có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư vào dệt may, song lại được chọn nhờ vị trí giáp ranh thị trường lớn này.

“Chúng tôi tin khó có thể tìm kiếm nơi nào có ưu thế vận tải đường bộ như Móng Cái, Quảng Ninh, để vận chuyển hàng sang phía Nam Trung Quốc thuận tiện và ít tốn kém nhất”, ông Hồng Thiên Trúc cho biết nguyên nhân.

Cũng như Texhong, mỗi NĐT nước ngoài đến Việt Nam đều có lý do riêng. Dù là phân tích thế nào thì các quyết định đầu tư này dường như cũng đang trở nên khó khăn hơn. Dự án FDI tỷ đô vắng bóng trầm trọng trong 8 tháng đầu năm 2014 và tổng vốn đăng ký giảm 19% so với cùng kỳ năm 2013, chỉ đạt trên 10,2 tỷ USD.

Điều này, theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), là nằm trong dự báo. Khi đặt kế hoạch thu hút FDI trong năm 2014, con số được dự đoán chỉ bằng 80% so với năm 2013, đạt 17-18 tỷ USD.

Nhưng, có vẻ như trong khi NĐT mới còn đang cân nhắc, những người hiểu môi trường kinh doanh Việt Nam qua các dự án đã đầu tư trước đây lại quyết liệt hơn trong chiến lược đầu tư dài hạn của mình. Trong 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn FDI tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7,9 tỷ USD. Đóng góp chủ yếu cho số giải ngân này lại đến từ các NĐT lớn tại Việt Nam hiện nay.

Điển hình là dự án Samsung Thái Nguyên đã giải ngân được khoảng 1,4 tỷ USD, Samsung Bắc Ninh (SEV) cũng giải ngân được 1,73 tỷ USD... Bên cạnh đó, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa trong những tháng đầu năm 2014 cũng giải ngân được 676 triệu USD, dự án thép Formosa Hà Tĩnh nhờ hoạt động tích cực nên tính đến hết tháng 6/2014 đã đưa được khoảng 4,2 tỷ USD vào thực hiện…

Điểm sáng khác cũng không thể bỏ qua chính là động thái mở rộng hoạt động sản xuất của NĐT, chủ yếu là những cái tên quen thuộc. Đơn cử như dự án tỷ đô hiếm hoi được cấp mới trong 8 tháng đầu năm của Samsung Display. Đồng thời Tập đoàn này cũng đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư trên 1 tỷ USD vào TP. Hồ Chí Minh để mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Tập đoàn Microsoft, sau khi mua lại Bộ phận thiết bị của Nokia, cũng đã quyết định chuyển 39 dây chuyền sản xuất về Việt Nam, nâng cấp sản phẩm được xuất xưởng tại nhà máy hiện nay lên dòng điện thoại thông minh, cao cấp hơn.

Các dự án tăng vốn, mở rộng đầu tư xuất hiện nhiều hơn, chủ yếu từ những NĐT lớn và lâu năm, cho thấy đánh giá tích cực của NĐT về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Nguyên nhân thì ngoài vị trí đắc địa, nhân lực sẵn có với giá rẻ… Việt Nam còn có thị trường tiêu dùng được dự báo sẽ ngày càng phát triển.

Theo phân tích của các chuyên gia, những hãng sản xuất hàng công nghệ như điện thoại, máy tính… đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam ngoài việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa thì còn coi Việt Nam là cầu nối để tiếp tục khai phá các thị trường láng giềng, vốn cũng có nhu cầu ngày càng cao với các sản phẩm này…

Tuy nhiên, lợi thế trước mắt chắc chắn sẽ khó giữ chân những NĐT muốn cam kết gắn bó lâu dài nếu những yếu tố như chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính... vẫn chưa được cải thiện. Cảnh báo được đưa ra là NĐT sẽ nản lòng và nhanh chóng dời đi khi tìm kiếm được một địa điểm khác có chi phí rẻ hơn Việt Nam, một khi các mong mỏi của họ để nâng cao môi trường đầu tư chưa được đáp ứng.

>>>

Theo Ngọc Khanh

cucpth

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên