Thu hút FDI: Thách thức vượt qua chính mình
Các chuyên gia cho rằng, có lẽ Việt Nam chỉ còn cách cải thiện thể chế để có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài,tạo thế cho những bước đột phá nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cạnh tranh ASEAN.
Độ chênh lớn về môi trường kinh doanh, khoảng cách phát triển, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, và khả năng phối hợp chính sách là những tồn tại lớn nhất trước thềm hội nhập khu vực đang đến gần. Chỉ còn 2 năm rưỡi nữa (năm 2015) là tới thời điểm Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) chính thức đi vào hoạt động, sức ép phải xử lý những vấn đề nổi cộm trên dường như càng lớn hơn.
Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho
biết, thách thức lớn nhất là đưa những cam kết giữa các nước trong khu
vực vào chiến lược và kế hoạch quốc gia. Ông Minh cho rằng, những khác
biệt về trình độ phát triển trong khối ASEAN là nguyên nhân những khó
khăn của quá trình hợp tác và thực hiện các cam kết trong khu vực.
Xử lý nó không phải từ ý chí chính trị mà phải từ thực tiễn cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển, năng lực con người của mỗi nước.
Do điều kiện cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu tại nhiều quốc gia trong khu vực, nhu cầu đầu tư vào ASEAN mỗi năm ước tính phải đạt khoảng 60 tỷ USD mới đảm bảo xử lý được vấn đề hiện nay. Tuy nhiên, trong khi nội lực của nhiều quốc gia khá hạn chế, nguồn vốn này phụ thuộc chủ yếu vào “độ mở” của thể chế để hút nguồn lực bên ngoài, và nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, thách thức đặt ra đối với nhiều nước ASEAN là khả năng gia tăng sức hấp dẫn đối với nguồn lực hỗ trợ từ các nước phát triển như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Với Nhật Bản, nhà đầu tư “chiến lược” trong khu vực này đang tỏ rõ thiện ý hỗ trợ các nước trong khối thu hẹp khoảng cách phát triển, đặc biệt là hỗ trợ các nước khó khăn, và khuyến khích hội nhập kinh tế trong khối ASEAN.
Ông Motonobu Sato - Chủ tịch Liên hiệp
các phòng thương mại và công nghiệp Nhật Bản (Hiệp hội DN Nhật Bản tại
Việt Nam) cho biết, quốc gia này đang đứng thứ 2 về đầu tư vào ASEAN.
Còn xét về mặt thương mại, kim ngạch ngoại thương hai chiều giữa ASEAN và Nhật Bản vào năm 2012 đạt 258,668 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng giá trị thương mại của khối ASEAN với thế giới (2.517 tỷ USD). Với kết quả này, Nhật Bản cũng đứng thứ hai về quan hệ thương mại với khu vực này.
Theo kết quả điều tra của Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro), mối quan hệ giữa các DN Nhật Bản và các DN nội vùng ASEAN ngày càng phát triển sâu sắc. Số lượng DN Nhật Bản hoạt động tại khu vực ASEAN cũng tăng nhanh chóng, theo Liên đoàn các phòng thương mại và công nghiệp Nhật Bản tại ASEAN (FJCCIA), con số này lên đến gần 5.600 công ty.
Ông Motonobu Sato nhấn mạnh, với mục tiêu đầu tư lâu dài, các DN Nhật tại ASEAN đã tạo lập nên hệ thống phân công lao động và mạng lưới cung cấp trên toàn lãnh thổ ASEAN. Vì vậy, cùng với vị thế hiện nay của các nhà đầu tư Nhật Bản, nếu việc cải thiện môi trường kinh doanh thông qua đối thoại FJCCIA có kết quả tốt, năng lực cạnh tranh của khu vực sẽ được cải thiện hơn nữa.
Ông Motonobu Sato hy vọng, thế giới sẽ sớm được biết đến các thành phẩm dán mác “sản xuất tại ASEAN” khi các nước thành viên bổ trợ lẫn nhau để tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh góc nhìn tổng thể
khu vực ASEAN như trên, sự hỗ trợ từ các nước phát triển cũng đang tạo
ra sự cạnh tranh trong chính nội khối. Đặc biệt, AEC đi vào hoạt động,
hàng rào thuế quan sẽ được loại bỏ. “Khi ấy chỉ nước nào đủ mạnh mới tồn
tại được”, ông Motonobu Sato cảnh báo.
Như vậy, bài toán đặt ra cho các thành viên ASEAN ở top dưới là phải tạo dựng được khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư với các quốc gia khác trong khu vực, không chỉ ở khâu cung ứng linh kiện mà cả sản xuất thành phẩm.
Câu hỏi đặt ra cho Việt Nam lúc này, khi
vẫn nằm trong nhóm bốn nước CLMV (viết tắt Campuchia, Lào, Myanmar và
Việt Nam), là sẽ làm gì để gia tăng năng lực cạnh tranh, và rút ngắn
khoảng cách với sáu nước ASEAN ở lớp trên?
Xét ở hai yếu tố về nguồn vốn và thể chế còn có dư địa cải thiện, các chuyên gia cho rằng, có lẽ Việt Nam chỉ còn cách cải thiện thể chế để có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo thế cho những bước đột phá nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi cạnh tranh ASEAN.
Theo Hồng Hà