MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Công thương: Hội nhập không nên ngại vì mình đi sau

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh tại tọa đàm “FTA-Cơ hội nào cho Việt Nam” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 20/3.

Tóm tắt:

- Theo Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, hội nhập là một tiến trình tất yếu theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Các FTA đang trở thành một trào lưu tất yếu của hội nhập.

- Về thị trường các ngành hàng lớn, Việt Nam đã mở cửa dần từ khi tham gia ASEAN năm 1995, gia nhập WTO năm 2007, những ngành hàng lớn như ô tô, xe máy đều biết về hội nhập và chuẩn bị ứng phó với cạnh tranh từ bên ngoài.

- Ông Khánh cho rằng, trong hội nhập không nên ngại vì mình đi sau. Chúng ta đừng nghĩ rằng mình yếu thì không thể cạnh tranh được. Điều quan trọng là phải tạo lợi thế, giống như nước chảy chỗ trũng.


Tại tọa đàm “FTA-Cơ hội nào cho Việt Nam” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 20/3, ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, hội nhập là một tiến trình tất yếu theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Theo đó, Thứ trưởng Công thương cho biết, sau chủ trương đổi mới năm 1986, năm 1991, Chính phủ đã xác định tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ với các quốc gia. Đến năm 2006, sau khi gia nhập WTO, chủ trương hội nhập hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng.

Năm 2011, Việt Nam có nghị quyết về hội nhập kinh tế quốc tế. Đến tháng 4 năm 2013 có Nghị quyết 22 về Hội nhập quốc tế. Đây là chủ trương nhất quán, không phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế thế giới. Các hiệp định FTA nếu có hiệu lực khi kinh tế thế giới hồi phục sẽ có tác dụng kép thúc đẩy tăng trưởng.

FTA đang trở thành một trào lưu tất yếu của hội nhập

Các FTA đang trở thành một trào lưu tất yếu của hội nhập. Tham gia vào các FTA sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường xuất nhập khẩu – nhân tố chính tạo nên tăng trưởng của đất nước. Bên cạnh đó, khi các nước xóa bỏ hàng rào thuế quan, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn.

Đặc biệt, với hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, khi được ký kết, hiệp định này sẽ mở ra cơ hội cho hàng Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cao toàn cầu. Nếu Việt Nam trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng thì khả năng mở rộng sản xuất và phát triển thị trường là rất lớn.

Thứ trưởng Công thương lấy dẫn chứng, từ khi đàm phán và tham gia các FTA đến nay, cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đang theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường chính. Một trong những yêu cầu lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là cân bằng lại thị trường.

Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới hiện nay còn có tác động quan trọng giúp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, cải thiện tốc độ tăng trưởng GDP tốt hơn.

Khi tham gia các FTA thì các FTA phải tạo ra lực đẩy cùng chiều, cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Khi đã có nguyên tắc lớn sẽ có tạo nên sự nhất quán trong việc đưa ra yêu cầu và thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Khánh, chúng ta vẫn phải có khả năng kiểm soát tiến độ hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong khi đó, đánh giá về những xung đột lợi ích khi tham gia nhiều FTA cùng một lúc, ông Khánh cho rằng, xung đột là tất yếu. Đôi khi cơ hội của ngành này có thể trở thành thách thức của ngành khác. Điều quan trọng là phải biết cân bằng các lợi ích, lựa chọn những ngành có cơ hội lớn hơn, tiềm năng phát triển cao hơn để mở rộng thị trường.

Xuất khẩu được hưởng lợi nhiều từ các FTA

Ông Khánh cho biết, về cơ hội xuất khẩu sau khi tham gia các FTA thì doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá tốt. Cụ thể, trước khi có FTA với Hàn Quốc, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng 16%; sau khi có FTA xuất khẩu đã tăng tới 38%.  Tỷ trọng xuất nhập khẩu trước đây là xuất 1 - nhập 5 thì hiện nay đã rút xuống còn xuất 1 - nhập 3. Nhập siêu vẫn còn nhưng đã tích cực hơn, tạo đà giảm bớt nhập siêu.

Đối với thị trường Nhật: trước FTA xuất khẩu tăng bình quân 26%/năm; sau FTA xuất khẩu tăng 28%/năm. Trong trao đổi thương mại với Nhật Bản, Việt Nam đã xuất siêu nhẹ. Đối với thị trường Trung Quốc: Tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn nhập khẩu, tuy nhiên đã có nhiều cải thiện đáng kể.

Về thị trường các ngành hàng lớn, Việt Nam đã mở cửa dần từ khi tham gia ASEAN năm 1995, gia nhập WTO năm 2007, những ngành hàng lớn như ô tô, xe máy đều biết về hội nhập và chuẩn bị ứng phó với cạnh tranh từ bên ngoài. Đến nay gần như không có ngành nào được bảo hộ vĩnh viễn.

Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin khá đầy đủ. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp sẽ có cơ hội thách thức khác nhau tùy theo quy mô thị trường. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức, thông tin, doanh nghiệp cần những công cụ, phương pháp phân tích thông tin đề có thể tự đánh giá cơ hội và thách thức cho mình. Từ đó, doanh nghiệp có thể chủ động nắm bắt cơ hội, đương đầu thách thức.

Đừng nghĩ mình yếu thì không thể cạnh tranh được!

Tại buổi tọa đàm, giải đáp thắc mắc của nhiều doanh nghiệp lo ngại Việt Nam đi sau trong việc cung cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu thì liệu cơ hội có còn không, ông Trần Quốc Khánh cho rằng, trong hội nhập không nên ngại vì mình đi sau.

“Quá khứ đã chứng minh ngược lại. Đi sau nhưng nếu biết nắm bắt cơ hội, biết tận dụng lợi thế, biết nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ giành được phần thắng. Đơn cử với ngành dệt may và giày dép…, Việt Nam đi sau Trung Quốc nhưng rõ ràng thị phần của Trung Quốc tại các thị trường lớn đang giảm, nhiều đơn hàng dịch chuyển về Việt Nam” – ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, đối với các mặt hàng chủ lực trước đây là nông sản như gạo, cà phê, tiêu…; cho tới bây giờ là điện thoại như Samsung, Microsoft, LG… Việt Nam đều có lợi thế. Bởi đang có sự dịch chuyển sản xuất, dây chuyền trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Chúng ta đừng nghĩ rằng mình yếu thì không thể cạnh tranh được. Điều quan trọng là phải tạo lợi thế, giống như nước chảy chỗ trũng. Cơ hội vẫn sẽ đến với các nước đi sau biết tận dụng lợi thế và nắm bắt cơ hội” – Thứ trưởng Công thương chia sẻ.

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên