Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Dừng là hợp lý và hợp tình
Đó là ý kiến của PGS.TS Đặng Ngọc Dinh - trưởng nhóm chuyên gia tư vấn xây dựng chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học - trong cuộc trao đổi với báo Tuổi Trẻ ngày 11-9.
Trước hết, tổng diện tích chiếm dụng đất Vườn quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên của mỗi dự án đều lớn hơn 50ha, do vậy theo nghị quyết 49 của Quốc hội, các dự án này cần phải được Quốc hội cho chủ trương. Ngoài ra, Luật đa dạng sinh học nghiêm cấm hành vi xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Hai dự án này thuộc lĩnh vực kinh tế, không phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh nên việc xây dựng hai công trình này vi phạm quy định nói trên.
Khi lý giải về tính pháp lý, chủ đầu tư hai dự án trên
đã viện dẫn Luật đa dạng sinh học để kiến nghị trước khi khởi công xây
dựng, Nhà nước cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là có thể đảm
bảo yếu tố pháp lý cho việc xây dựng hai thủy điện này. Tuy nhiên, quy
hoạch xây dựng hai thủy điện này thuộc quy hoạch ngành, do đó phải ưu
tiên quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
Ở đây, Vườn quốc gia Cát Tiên là quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đã có của cả nước. Như vậy, nếu điều chỉnh đất của vườn quốc gia để làm thủy điện là vi phạm luật.
Đã có nhiều ý kiến phân tích tác động tiêu cực khi triển khai hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, quan điểm của ông thế nào?
- Trong báo cáo ĐTM, chủ đầu tư nhìn nhận “hai thủy
điện này ăn vào đất rừng nghèo, không có trữ lượng gỗ lớn, thú lớn mà
chỉ có lồ ô, tre nứa, loài thú nhỏ... nên không cần phải bảo tồn” là
không chính xác và không khoa học.
Theo các nhà khoa học chuyên ngành, nguyên tắc bảo tồn không chỉ thuần túy cho những loài cụ thể, vì các tập thể sinh học và quần xã sinh vật có mối liên quan mắt xích, tự điều hòa lẫn nhau... Đây chính là yếu tố để Tổ chức UNESCO công nhận Cát Tiên là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Về nguy cơ mất rừng, nhiều chuyên gia về môi trường
nghi ngại: Nếu hai dự án này được triển khai, diện tích rừng thực tế bị
mất sẽ cao hơn nhiều so với con số 370ha đưa ra trong báo cáo ĐTM. Thực
tế cho thấy trong giai đoạn 2006-2012, việc xây dựng các thủy điện làm
mất gần 20.000ha rừng, nhưng cho đến nay việc trồng bù lại rừng mới chỉ
đạt khoảng 3%, đây là một tổn thất rất lớn.
Ví dụ thủy điện Trị An theo quy hoạch phạm vi ảnh hưởng chỉ là 210km², nhưng đến nay đã có hàng ngàn kilômet vuông bị tác động phá vỡ.
Một vấn đề mà tôi muốn nhấn mạnh là trong thời đại hiện nay, Vườn quốc gia Cát Tiên là viên ngọc quý giá nằm giữa lưu vực sông Đồng Nai và là một thành phần trong hệ thống khu dự trữ sinh quyển toàn cầu. Trong bối cảnh đó, khi xuất hiện hai thủy điện này, hệ sinh thái tự nhiên sẽ bị phá vỡ, chắc chắn sẽ gây khó khăn cho việc UNESCO xem xét và công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới.
Vậy ông cho rằng nên dừng hai dự án này?
- Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nếu được triển
khai sẽ đem lại những lợi ích về kinh tế, nhưng nói rằng “hai thủy điện
này sẽ cung cấp một lượng điện năng quan trọng và góp phần đảm bảo an
ninh năng lượng cho VN” là không đúng, vì hai thủy điện này chỉ đóng góp
một tỉ lệ rất nhỏ trong hệ thống năng lượng quốc gia (1/300 đến năm
2020).
Hai dự án nếu được triển khai sẽ gây ra những tác động tiêu cực, lâu dài đến môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đến tài nguyên nước, dòng chảy và hạ lưu cũng như ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên và không gian văn hóa Đồng Nai.