Tiếp tục gói 30.000 tỷ đồng là đúng, nhưng cần xem lại đối tượng “thu nhập nhấp”
Nhà nước cần hướng đến việc xây dựng nhà ở xã hội để cho người thu nhập thấp thuê hơn là hỗ trợ cho mua nhà để tránh việc lợi dụng gói 30.000 tỷ đồng và hỗ trợ không đúng đối tượng.
- 22-03-2016Ngừng gói 30.000 tỷ đồng: Đã theo kinh tế thị trường, sao cứ đòi bao cấp mãi thế?
- 21-03-2016Cử tri bày tỏ lo lắng với Quốc hội về lãi suất gói 30.000 tỷ đồng
- 21-03-2016Bài học từ gói vay 30.000 tỷ đồng
- 19-03-2016Gói 30.000 tỷ đồng sắp hết hạn giải ngân: Đem “con”... bỏ chợ?
Trao đổi với chúng tôi TS. Trần Du Lịch – Trưởng đoàn Đại biểu TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho đến hết chương trình là cần thiết.
“Đối tượng đã được vay rồi, trong hạn mức được vay, mà chưa giải ngân hết thì nên giải ngân tiếp cho họ. Mức lãi suất vẫn áp dụng như cam kết ban đầu, chứ dừng giải ngân giữa chừng là không nên. Vì trước đây với lãi suất như vậy thì mới dám mua nhà, nhưng giờ thay đổi giữa chừng thì có khác nào làm khó, đưa ra mức lãi suất thị trường là không được” – TS. Trần Du Lịch lý giải.
Trong ngày hôm nay (22/3), Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp đến 01/6/2016 mà chưa giải ngân hết số tiền 30.000 tỷ đồng, sẽ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn để các đối tượng được tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi đến hết 30.000 tỷ đồng của toàn bộ Chương trình.
Việc tiếp tục duy trì việc giải ngân và mức lãi suất cũng là để thực hiện theo đúng cam kết ban đầu mà Ngân hàng và các đối tượng vay gói này đã cam kết. Tức là cũng để tuân thủ theo đúng chủ trương mà ngay từ đầu được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra với gói vay vốn hỗ trợ mua nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng.
Đồng thời, vị đại biểu trên cũng cho rằng cần phải xem lại quy định trong Thông tư 11, liên quan đến việc tăng lãi suất cho những đối tượng vay gói 30.000 tỷ đồng từ sau ngày 1/6/2016. Bởi theo ông Lịch, về nguyên tắc ngay từ khi có gói hỗ trợ này, đã có cam kết hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng vay. Vấn đề này đã được quy định nên phải được thực hiện.
“Không thể cứ thay đổi chính sách và bắt người ta theo mình được. Những vấn đề này phải làm cho rõ ràng. Đã cam kết ba năm nay rồi thì phải theo quy định, chứ không thể muốn thay đổi là được” – Đại biểu Trần Du Lịch nói.
Tuy nhiên, khi bình luận về gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng, Đại biểu Trần Du Lịch lại cho rằng cần phải xem xét lại bởi gói 30.000 tỷ đồng ngay từ đầu, đã “có vấn đề”. Theo phân tích của vị này, cần phải tính lại đối tượng hỗ trợ của gói 30.000 tỷ đồng là ai.
Đại biểu Trần Du Lịch nói: “Chúng ta không thể hỗ trợ cho thành phần thu nhập thấp được, vì thu nhập thấp không thể mua nhà. Quan điểm của tôi là Nhà nước lo làm sao cho mọi người có chỗ ở, bằng cách cho thuê giá rẻ, chứ không phải là ai cũng có được sở hữu nhà. Giờ thu nhập không ổn định thì làm sao ngân hàng cho vay mà hỗ trợ, đó là không thể”.
Dẫn chứng là với đối tượng thu nhập thấp thực sự sẽ không thể có thu nhập ổn định, nên sẽ không có ngân hàng nào “dám” cho vay để mua nhà. Vì vậy, Trưởng đoàn Đại biểu TPHCM cho rằng Nhà nước nên tập trung xây dựng nhà ở xã hội để cho các đối tượng thu nhập thấp thuê ở.
Thực tế tại nhiều nước phát triển, điển hình như Mỹ ông Lịch cũng cho rằng các nước này không khuyến khích người dân sở hữu nhà đất. Do đó, vị đại biểu này cho rằng đối tượng của gói 30.000 tỷ đồng đưa ra là không “trúng”.
Ông Lịch khuyến nghị: “Nên tính toán lại đối tượng, chính sách nhà ở xã hội là cần thiết nhưng cần xem lại đối tượng, sức cung của thị trường chứ ta không nên gượng ép nó, coi chừng sử dụng không hiệu quả và không nên bao cấp cho những đối tượng không cần bao cấp”.
Đồng thời, Đại biểu Lịch cũng chỉ ra một bất cập nữa của gói 30.000 tỷ đồng đó là việc thế chấp hai lần tài sản được hình thành trong tương lai. Cụ thể, khi triển khai dự án nhiều DN kinh doanh bất động sản, dự án đã thế chấp ngân hàng rồi, thì không thể để cho người dân thế chấp tiếp để vay vốn.
“Nhà kinh doanh địa ốc đã mang đi thế chấp rồi, giờ người đi mua lại mang đi thế chấp, nguyên tắc thế chấp 2 lần làm sao được. Những vướng đó ngay từ đầu tôi cho rằng không ổn rồi và cần phải điều chỉnh ngay từ đầu” – ông Lịch khuyến nghị.