MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tôi chưa hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng"

Bộ trưởng chưa chỉ rõ được đâu là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền địa phương trong sai phạm ở dự án số 8B Lê Trực. Liệu những sai phạm này có phải chỉ dừng lại ở việc cấp phép hay có hiện tượng tham nhũng, hối lộ.

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, hôm nay (ngày 3/11), Quốc hội làm việc tại hội trường để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016.

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng bộ Xây Dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Nông thông Cao Đức Phát đã trả lời một số ý kiến liên quan đến lĩnh vực do mình quản lý.

Xoay quanh vấn đề này, bên lề hành lanh Quốc hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Tấn Tuân – đoàn Khánh Hòa.

Ông đánh giá thế nào về những ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại phiên thảo luận sáng nay?

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang là vấn đề sống còn đối với nền kinh tế nước ta hiện nay. Nông nghiệp đứng trước nhiều khó khăn như tình trạng hạn hán, lũ lụt, hiện tượng El Nino…

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Áp lực hội nhập đã đến rất gần, đòi hỏi ngành nông nghiệp phải đẩy mạnh tái cơ cấu để không bị thua trên sân nhà. Chỉ khi nào giải quyết được bài toán tái cơ cấu nông nghiệp thì đời sống của người dân mới đỡ khổ. Khi đó, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mới vươn ra thị trường thế giới.

Tôi đánh giá rất cao những ý kiến mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã đưa ra tại phiên thảo luận sán nay. Bộ Nông nghiệp đã có những nỗ lực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mở rộng và khai thông thị trường xuất khẩu cho nông sản.

Đối với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, tôi cho rằng, Bộ trưởng chưa chỉ rõ được đâu là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền địa phương trong sai phạm ở dự án số 8B Lê Trực. Liệu những sai phạm này có phải chỉ dừng lại ở việc cấp phép hay có hiện tượng tham nhũng, hối lộ.

Vấn đề ở đây là phải tăng cường công tác quản lý quy hoạch đô thị, quản lý xây dựng, không cấp phép dự án xây dựng một cách tràn lan, làm mất mỹ quan, văn minh đô thị.

Phát biểu trước diễn đàn Quốc hội, ông đề cập nhiều đến vấn đề thủ tục hành chính còn nhũng nhiễu, rườm ra. Một bộ phận cán bộ công chức ở nhiều nơi còn vô cảm, xa rời nhân dân. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

Trong những năm qua, chúng ta luôn đề cập đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, thủ tục hành chính còn rườm rà, phiền phức; một bộ phận cán bộ công chức ở nhiều nơi còn hiện tượng nhũng nhiễu, vô cảm, xa rời nhân dân… Đây cũng là nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, hối lộ.

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, Bộ máy chính quyền của chúng ta phải trở thành cơ quan phục vụ lợi ích chính đáng của người dân. Cử tri và Đại biểu đang lo lắng khi bộ máy công kềnh, rườm rà, một bộ phận cán bộ vô cảm với người dân. Do đó, cần cấp thiết tái cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước. Bớt cồng kềnh đi, bộ máy sẽ ngày càng trong sạch, công minh.

Theo ông, những vấn đề cần lưu ý đối với nền kinh tế hiện nay là gì?

Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển song nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất thường, giá dầu thô giảm, các đầu tàu kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ suy giảm… ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.

Vấn đề lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là quản lý thu chi ngân sách còn nhiều bất cập, nợ công tăng cao dẫn đến nhiều khó khăn, cơ cấu chi chưa hợp lý, chi thường xuyên tăng cao, chi đầu tư giảm dần.

Việc quản lý sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao. Trong nhiều năm qua còn nhiều lãng phí như nạn chặt phá rừng, đánh bắt tài nguyên trái phép, tài nguyên đất nước đang bị khai thác quá mức...

Do vậy, cần cấp thiết cơ cấu lại nợ, tránh nguy cơ đổ vỡ nền kinh tế. Bởi quản lý ngân sách là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của nền kinh tế.

Ngoài ra, phát triển kinh tế cần sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp. Do đó, cần tránh trường hợp cán bộ nhũng nhiễu người dân, tránh vô cảm, tham nhũng. Bởi mục đích cuối cùng của nhà nước là phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Quế (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên