MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước thềm TPP, Việt Nam cần chuẩn bị những gì?

Theo Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), việc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lợi nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tốt những cơ hội mà TPP mang lại, Việt Nam cần có những bước đi hợp lý và đúng đắn.

Thứ nhất, Việt Nam cần cấp thiết tiến hành cải cách thể chế, tự do hóa thị trường các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai.

Hội nhập mà không đi liền với những cách cách này thì Việt Nam sẽ khó tận dụng được những cơ hội tốt. Đồng thời còn dẫn đến suy giảm trong kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Về lâu dài, Việt Nam sẽ khó duy trì được lợi thế về lao động giá rẻ khi mà nhu cầu về lao động có kỹ năng ngày càng tăng lên và không thể duy trì được tăng trưởng kinh tế như trước. Rất có thể Việt Nam sẽ rơi vào trường hợp giống Trung Quốc hiện nay.

Bên cạnh đó, sự dịch chuyển tự do của lao động, không chỉ trong nước và cả giữa các nước, thêm vào đó là tăng cường đầu tư về giáo dục sẽ giúp quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thuận lợi hơn trong quá trình tự do hóa thương mại.

Thứ hai, khi TPP có hiệu lực, các dòng thuế sẽ giảm về 0 khiến cho doanh thu từ thuế giảm.

Theo dự báo của VEPR, điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, khiến Chính phủ có thể bù đắp nguồn hụt thu này bằng các nguồn khác như tăng các loại thuế, tăng vay nợ hoặc cắt giảm chi thường xuyên, trợ cấp và đầu tư công nhằm giữ ổn định ngân sách.

Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu của VEPR cũng cảnh báo, một số chính sách có thể cản trở nỗ lực phục hồi của nền kinh tế, tăng khả năng xảy ra bất ổn kinh tế vĩ mô.

Do vậy, tùy từng giai đoạn và mục tiêu chính sách mà các biện pháp cân bằng ngân sách cần phải được cân nhắc để đảm bảo ổn định vĩ mô và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng, tránh gây ra những mâu thuẫn đi ngược với các chính sách khác. Các chính sách nên tập trung vào cắt giảm chi tiêu thường xuyên.

Thứ ba, về vấn đề nhập khẩu gia tăng trong khi xuất khẩu có xu hướng giảm, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh nhằm tăng năng suất, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Với những ngành sẽ mở rộng sau TPP, nhân tố quan trọng nhất là đảm bảo sự dịch chuyển tự do của các nguồn lực sản xuất như lao động, vốn, đất đai và các tài nguyên khác để các ngành này có thể tiếp cận dễ dàng.

Với những ngành kém lợi thế sau hội nhập, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm tăng hiệu quả cũng là một định hướng cần được quan tâm hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần cân nhắc các chính sách hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, tạo điều kiện tăng giá trị cho hàng hóa xuất khẩu, thay vì gia công là chủ yếu như hiện nay.

Thứ tư, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do ngày nay không chỉ đòi hỏi các nước tham gia phải cắt giảm thuế quan, mà ngày càng quan tâm hơn các vấn đề cắt giảm hàng rào phi thuế quan như cắt giảm chi phí vận chuyển, thủ tục chờ nhập khẩu…

Trong đó, TPP đóng vai trò quan trọng trong việc tái định hình cấu trúc và các luồng thương mại, đầu tư thế giới. Khi tham gia TPP, Việt Nam cần phải điều chỉnh cả những yếu tố không phải thương mại như lao động, quyền sở hữu trí tuệ…

Thứ năm, không chỉ TPP mà nhiều FTA thế hệ mới hiện nay có xu hướng tiến tới cắt giảm hoàn toàn hàng rào thuế quan, đưa mức thuế nhập khẩu về 0 đối với hầu hết các nhóm hàng hóa. Chính vì vậy, các nước sẽ có xu hướng áp dụng hàng rào kỹ thuật thay thế để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa.

Hiện nay, trình độ công nghệ của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Để cải thiện tình trạng này, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hợp lý khi các hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Kết quả nghiên cứu của VEPR cho thấy, khi gia nhập TPP, đầu tư của Việt Nam (bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài) đều tăng mạnh. Cùng với sự gia tăng của dòng thương mại, các nước trong và ngoài hiệp định sẽ tăng cường dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với VN trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn FDI.

Do vậy, việc cải cách hành chính, chính sách đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ, hàng hóa trung gian, công nghiệp chế biến nhằm tận dụng những lợi ích mà TPP mang lại.

Dưới tác động của TPP, Việt Nam sẽ được gia tăng về tiêu dùng và đầu tư, đặc biệt là nhỡ những ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày.

Tuy nhiên, các ngành này đòi hỏi lao động giá rẻ để thu hút đầu tư. Khi mức lương của Việt Nam tăng liên tục, các nhà đầu tư nước ngoài không bám rễ tại đây sẽ tìm kiếm và lựa chọn các nước khác làm điểm đến mới cho đầu tư.

“Việt Nam không nên quá phụ thuộc vào những lợi ích ngắn hạn mà TPP mang lại; thay vào đó, nên tiếp tục đẩy mạnh cải cách trong các lĩnh vực ưu tiên” – báo cáo nhận định.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên