TS Alan Phan: Kỳ vọng và thận trọng
Việt Nam muốn gì từ TPP? Câu trả lời: 'Đó là một thị trường rộng mở của hai quốc gia Mỹ và Nhật Bản'.
Vậy là qua 18 vòng đàm phán TPP, cái đích cuối cùng đang ngày càng gần hơn. Song, cũng như những hiệp định thương mại khác, Việt Nam sẽ phải đau đầu giải bài toán được – mất khi quyết định tham gia đàm phán, nhất là khi TPP không có cơ chế đặc biệt cho các nền kinh tế ở trình độ phát triển khác nhau.
Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của TS Alan Phan.
Trong những buổi nói chuyện của tôi gần đây, câu hỏi “hot” nhất của mọi doanh nhân từ Việt Nam, ASEAN… đến Mỹ và Trung Quốc là chuyện Việt Nam gia nhập vào Hiệp định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 10 quốc gia và 2 đại cường kinh tế, Mỹ Nhật.
GDP của các hội viên TPP chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng TPP là một sách lược của Mỹ để chống sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc.
Căn bản của quyền lợi
Trước hết, theo kinh nghiệm làm ăn và các cuộc thương thuyết trong lịch sử, hay chỉ đơn giản giữa 2 người “dân đen”, bất cứ một giao dịch thành công nào cũng đòi hỏi sự thỏa mãn tối thiểu giữa hai bện hay nhiều bên.
Thuận mua vừa bán. Sự đổi chác về quyền hay lợi đều dựa trên căn bản: tôi được gì và mất gì trong giao dịch này? Để hiểu rõ hơn về lợi ích các bên trong TPP, ta phải trở lại vấn đề căn bản: Việt Nam muốn gì và Mỹ muốn gì?
Dĩ nhiên 10 nước còn lại cũng có những lợi ích quốc gia riêng của họ, nhưng với sự chi phối và với vai trò đầu đàn, Mỹ có thể “thuyết phục” họ khá dễ dàng.
Vậy, Việt Nam muốn gì từ TPP ư? Đó là một thị trường rộng mở của hai quốc gia Mỹ và Nhật Bản.
Hiện nay, Viêt Nam đang xuất khẩu hơn 20 tỷ USD qua thị trường Mỹ và 9 tỷ USD qua thị trường Nhật (khoảng 25% của GDP). Xuất siêu từ Mỹ lên đến 15 tỷ USD mỗi năm. Nếu được hưởng hàng rào thuế quan ưu đãi dành cho hội viên (gần bằng 0% cho phần lớn mặt hàng), lượng xuất khẩu Việt Nam qua TPP sẽ tăng gấp hai lần, chỉ cần nhờ vào lợi thế cạnh tranh duy nhất này.
TPP cũng sẽ giúp sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sớm hơn dự đoán nhờ sự gia tăng về xuất khẩu và đầu tư FDI từ nhiều nơi, nhất là Trung Quốc.
Cái “lợi” của Trung Quốc
Nhiều nhà phân tích cho rằng Việt Nam cũng muốn tìm các đồng minh chiến lược mới, nhất là Mỹ, để hóa giải ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc về chính trị và quân sự tại Biển Đông và sự áp đặt về cơ chế. Tôi không tin điều này. Việt Nam đã liên tục khẳng định “16 chữ vàng và 6 cái tốt” trong 80 năm lịch sử và gần đây nhất là vào 10 văn kiện vừa ký kết trong tháng 6 năm nay.
Trái với những suy đoán trước đây, tôi cho rằng thực sự Trung Quốc đang đứng sau và khuyến khích Việt Nam gia nhập TPP để họ có thể hưởng lợi gián tiếp từ khía cạnh kinh tế.
Ba năm trước, tôi có tham dự nhiều buổi “trình diễn” (road show) tại Trung Quốc do các quỹ tư nhân ASEAN tìm nhà đầu tư vào Việt Nam. Phần lớn “không quan tâm” là câu trả lời. Trung Quốc đang xuất khẩu qua Việt Nam 29 tỷ USD mỗi năm (nhập siêu là 18 tỷ USD) chiếm đến 25% của GDP Việt mà không tốn sức lắm. Nhận xét chung của các doanh nhân Trung Quốc là việc đầu tư vào Việt Nam là một việc làm “thừa thãi”.
Tuy nhiên, 6 tháng vừa qua, tôi nhận liên tiếp những cuộc gọi và viếng thăm của doanh nhân Trung Quốc. Họ bắt đầu quan tâm đến việc thiết lập nhà máy tại Việt Nam để hưởng lợi từ TPP.
Chẳng hạn hàng may mặc xuất từ Trung Quốc vào Mỹ phải chịu thuế hải quan là 20% đến 40%. Với TPP, nhà máy tại Việt Nam sẽ thâu lợi ngay khoản chi phí này và các quyền lợi khác mà Việt Nam thường ưu đãi cho các dự án FDI.
Chính phủ Trung Quốc sẽ “hưởng lợi” vị nếu dùng được bàn đạp Việt trong “trận chiến kinh tế” với Mỹ. Với hơn 80% sản phẩm Việt xuất khẩu phải tùy thuộc vào linh kiện và nguyên liệu từ Trung Quốc, mối lợi cho Trung Quốc sẽ tăng lũy tiến với TPP. Có thể nói, Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ TPP..
Nhìn từ phía Mỹ
Dĩ nhiên, các chuyên gia Mỹ không thể không biết những gì mà Trung Quốc và Việt Nam sẽ hưởng từ TPP. Tuy nhiên, cái gót chân Achilles của nước Mỹ luôn luôn là các chính trị gia và những nhóm lợi ích quyền lực, nhất là nhóm tài phiệt Mỹ (gốc Do Thái).
Trước hết, với nhóm tư bản tài chính, toàn cầu hóa và lợi nhuận tối đa là mục tiêu chính. Những yếu tố khác như chính trị hay quân sự là chuyện “người khác”.
Vì sự hấp dẫn của thị trường 1.3 tỷ dân mà họ đã đầu tư vào Trung Quốc. Cho đến nay, qua các nguồn tài trợ, họ đã giúp Trung Quốc cất cánh và trở thành một đối thủ đáng quan ngại với chính nước Mỹ. Vì số lượng khủng của petrodollars (tiền từ dầu khí) mà giới tài chính Wall Street ủng hộ các vương quốc và chế độ độc tài (kể cả việc đẩy Mỹ vào trận chiến Iraq).
TPP là một miếng mồi ngon cho các tập đoàn này.
Ngay sau đó là phe chính trị “tả phái” của Mỹ, bao gồm những trí thức và các nhà hoạt động xã hội trẻ. Phe tả luôn thích ra tay “giúp” người nghèo hay nước nghèo qua OPM - Other People's Money (tiền người khác). Mà đại diện số một cho phe tả là Tổng thống Barrack Obama.
Rào cản còn lạiNhiều người cho rằng vấn đề nhân quyền và dân chủ sẽ là một rào cản ngăn Việt Nam gia nhập TPP.
Về phía nước Mỹ, phe ủng hộ Tổng thống Obama sẽ cố “vận động dư luận” để thỏa mãn phần nào đòi hỏi của phe hữu và khối cử tri Việt Kiều về vấn đề này.
Do đó, trong bản thông cáo chung của Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên cam kết là sẽ hoàn tất việc Việt Nam gia nhập TPP vào cuối năm.
Nếu đúng vậy, đây sẽ là thắng lợi lớn lao cho cả hai phía.
Ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Bộ Công thương Sự cân bằng và lợi ích của tất cả các bên Hiện còn một số bất đồng trong đàm phán TPP, đó là những vấn đề liên quan đến thương mại, dịch vụ và đầu tư. Về thương mại thì đó là câu chuyện mở cửa thị trường. Chúng tôi đã thống nhất với nhau rằng, mở cửa thị trường là phải dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Tôi mở cửa thị trường cho anh, thì đổi lại anh cũng phải mở cửa thị trường cho tôi. Và, ngoài danh mục những mặt hàng mà hai bên tạo điều kiện cho nhau nhập khẩu thì còn có câu chuyện về thuế. VN hiện nay đang ở một trình độ thấp hơn so với các nước thành viên TPP khác, cho nên chúng ta yêu cầu các nước thành viên TPP khác, trong đó có Mỹ, cần dành cho VN một sự linh hoạt nhất định. Tức là có thời gian quá độ trước khi thực hiện mục tiêu cuối cùng. Ngoài ra, một số nội dung có vấn đề nhạy cảm. Nhạy cảm ở đây không chỉ đối với VN mà còn đối với nhiều nước thành viên TPP khác, như vấn đề mua sắm của Chính phủ, vấn đề môi trường, vấn đề về DN nhà nước… Những chuyện này liên quan đến nhiều nước, vì thế không chỉ có VN và Mỹ phải phối hợp chặt chẽ trong quan hệ song phương để xử lí những vấn đề liên quan mà còn phải có sự tham gia tích cực đa phương của nhiều thành viên khác. Với tinh thần như vậy, chúng tôi tin rằng trong thời gian ngắn tới đây, những khác biệt đó sẽ được thu hẹp. Phải nhấn mạnh một điều, dù muốn hay không thì luôn phải tính đến sự cân bằng và lợi ích của tất cả các bên tham gia đàm phán TPP. (Theo Diễn đàn Doanh nghiệp) |
Theo TS Alan Phan