MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đức Kiên: "Doanh nghiệp chết thì liệu có ngồi ôm mỏ dầu mà khai thác được không?"

Ngay cả khi khai thác thêm 2 triệu tấn dầu để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo nguồn thu, an sinh xã hội thì vẫn là việc cần phải tính đến.

Áp lực thu chi ngân sách trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh so với dự toán đang đặt lên vai của các nhà điều hành kinh tế. Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, đến nay giá dầu bình quân bán được chỉ còn ở mức 36 USD/thùng, giảm tới 24 USD/thùng so với dự toán.

Giá dầu liên tục xuống thấp cũng là mối đe dọa tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đặt ra trong năm nay là 6,7%. Việc hút thêm dầu để bán là câu chuyện được nhắc đến để cứu ngân sách, cứu tăng trưởng.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là nếu giá dầu tiếp tục xuống thấp như hiện nay, giá bán thấp hơn cả giá thành thì bài toán nên hay không tiếp tục múc dầu lên bán là dấu hỏi lớn đang được đặt ra.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Đức Kiên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng và là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng để đảm bảo tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô thì chuyện hút thêm dầu để bán cũng phải là vấn đề cần được tính đến.

Mới đây có thông tin là sẽ tiếp tục nâng sản lượng khai thác dầu thêm gần 2 triệu tấn. Trong năm ngoái thì chúng ta cũng đã phải nâng sản lượng khai thác. Vậy cứ tiếp tục hút dầu lên bán để đổi lấy tăng trưởng liệu có ổn không, thưa ông?

Việc hút dầu lên vượt kế hoạch quy định hay không là quyền của Chính phủ và của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN (PVN). Tôi cho rằng việc hút dầu lên bán để cứu tăng trưởng là bình thường, trên thế giới nhiều nước làm như vậy không riêng gì Việt Nam.

Giá dầu liên tục xuống thấp và có những mỏ đang bán dưới giá thành. Nếu cứ tiếp tục hút dầu thì ta có tính bài toán hiệu quả hay không?

Vậy nói thế nào với của Iran, trong bối cảnh như thế, các nước khác làm thế nào? Ta điều hành nền kinh tế đất nước có theo nguyên tắc của thị trường không? Vấn đề là nếu ta điều hành theo nguyên tắc của thị trường, thì giữ dừng khai thác mỏ với việc tiếp tục khai thác mỏ, chấp nhận lỗ, tính toán phương án nào có lợi nhất cho đất nước thì hãy để cho Chính phủ làm.

Ngoài ra, PVN hút thêm dầu ở mỏ Việt Nam hay mỏ của nước ngoài, thì đó là việc điều hành quản trị của DN đấy. Đảm bảo làm sao việc hút lên không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế đất nước, Tất cả các phương án sản xuất phải nhằm mục tiêu ổn định vĩ mô, phục vụ cho kinh tế phát triển.

Có nhiều nước như Iran hay Nga vẫn không giảm sản lượng, và người ta vẫn phải bù. Nền kinh tế phải cân đối giữa ổn định vĩ mô với hút dầu lên bán thì như thế nào?

Việt Nam cũng không khác thông lệ quốc tế, và không phải ta không bị tác động của thế giới. Do đó, ta phải nhìn nhận rõ ràng, năm ngoái khai thác thêm hơn 1 triệu tấn từ các nguồn chứ không phải chỉ trong nước, thì mới đảm bảo được thu chi ngân sách, đảm bảo nợ công, cân đối giữa trả nợ và vay nợ mới, thế mà nợ Chính phủ còn vượt trần Chính phủ. Tất nhiên chả vui gì khi hút tài nguyên lên bán.

Ông giữ quan điểm đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, kể cả khi giá dầu đi xuống thì chúng ta phải tính toán bài toán này như thế nào?

Tôi bảo vệ việc ổn định kinh tế vĩ mô, còn ổn định vĩ mô bằng hình thức nào, như thoái vốn DNNN, bán doanh nghiệp nhà nước, lấy về để phục vụ… thì đó thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chính phủ làm và báo cáo Quốc hội. Nếu để lạm phát bùng nổ, DN chết liệu ta có ngồi ôm mỏ dầu để mà khai thác được không?

Trong nền kinh tế, cân đối thu chi như thế nào, còn có thể tăng để đảm bảo nguồn thu, phục vụ cho việc an sinh xã hội như thế nào, làm thế nào để đảm bảo là quốc gia có trách nhiệm với các cam kết về vay nợ và trả nợ đúng hạn. Đó là những vấn đề đặt ra.

Nên việc hút lên hay không hút lên, thoái vốn hay không thoái vốn DN, quyết định như thế nào là bài toán so sánh kinh tế và phương án nào có lợi nhất cho quốc gia và nhân dân thì ta làm.

Cẩm An (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên