MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đức Kiên: Giá điện phải đảm bảo quyền lợi cho số đông

Để xây dựng được phương án giá điện hợp lý, EVN cần tính toán kỹ lưỡng và phản ánh rõ cơ cấu của bốn loại giá trong chuỗi sản xuất đến tiêu dùng điện: sản xuất; giá truyền tải, giá bán lẻ và phân phối.

TS Nguyễn Đức Kiên
TS Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội
40 bài viết

Ba phương án giá điện đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra lấy ý kiến. Theo các chuyên gia, rất khó để lựa chọn một phương án giá điện tối ưu, đảm bảo đáp ứng được tất cả các lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng để xây dựng được phương án giá điện hợp lý, EVN cần tính toán kỹ lưỡng và phản ánh rõ cơ cấu của bốn loại giá trong chuỗi sản xuất đến tiêu dùng điện: sản xuất; giá truyền tải, giá bán lẻ và phân phối.

Chia theo lũy tiến, giãn khoảng cách các bậc

Còn theo TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - giá cả, hiện nay ngành điện không lỗ, nên biểu lũy tiến từng bậc so với bình quân không nên quá cao. Phân tích 6 bậc thang giá điện, ông Long cho biết nếu như 2 bậc đầu so với giá bình quân là thấp hơn 5,1% và 2,3%; song 4 bậc còn lại tăng tới 2,2 – 6%.

“Biểu lũy tiến từng bậc từng bậc so với bình quân không nên quá cao. Thu nhập khá thì nên để được tiêu thụ đến 600kWh, thay vì chỉ cho dùng 400kWh. Hệ số nên bớt đi trong từng phân khúc. Bậc cao nhất trên 600kWh/tháng. Mỗi bậc cách nhau khoảng 150kWh và rút bớt chênh lệch giá giữa các bậc”, TS. Long khuyến nghị.

Cùng quan điểm, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng cần có cách tính cân đối bình quân. Theo đó, phương án giá điện có thể theo bậc lũy tiến, song nên chia ít các bậc để hạn chế sự phức tạp của các bậc thang giá điện. Đồng thời, khoảng cách giữa các bậc thang cần được nâng lên, để có độ giãn cách và đảm bảo khoảng cách và mức chênh lệch giảm xuống.

Phương pháp sử dụng bậc thang lũy tiến được ưu tiên lựa chọn, song các chuyên gia cho rằng cần tính toán để các bậc thang đưa ra có lợi cho số đông. TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra, hiện nay có tới 60% hộ tiêu dùng, bao gồm hộ nghèo, người dân và công chức sử dụng ở mức 150 kWh điện.

EVN minh bạch và hiệu quả đến đâu?

Cụ thể, sản lượng điện những hộ dân dùng dưới 50kWh chiếm 21%, số hộ dân sử dụng ở mức 51 – 100kWh chiếm 25% tổng; từ 101 – 150kWh chiếm gần 20%.

“Như vậy sản lượng điện tiêu dùng của hộ nghèo, công chức loanh quanh mức 150kWh, chiếm 60% tổng số hộ gia đình. Điện là ngành kinh tế, chính trị và an sinh xã hội, giá điện chia thế nào thì chia nhưng phải đảm bảo quyền lợi số đông”, TS. Kiên nói.

Tuy nhiên, bên cạnh xác định phương pháp giá điện, các chuyên gia cho rằng EVN cũng cần đảm bảo hiệu quả đầu tư để giảm chi phí giá thành điện, công khai minh bạch về hoạt động kinh doanh và giá thành sản xuất điện.

Cho rằng việc vận hành hàng nghìn nhân viên ghi công tơ số điện là lãng phí và thiếu sự cải tiến để tiết giảm chi phí, ông Kiên cho rằng EVN phải cải cách tốt hơn nữa công tác quản trị, nâng cao hơn nữa năng suất lao động, sử dụng vốn.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cần tính toán kỹ lưỡng phương án giá điện và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bởi người tiêu dùng luôn cho rằng EVN kinh doanh ngoài ngành, quản lý thất thoát nên đưa những chi phí này vào giá.

“Tôi là người tiêu dùng tôi phải biết mua điện với giá bao nhiêu. Minh bạch là cần thiết, quan trọng nhất chứ người tiêu dùng không nhất định một mực đòi giá thấp”, ông Hùng nói.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên