MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đức Kiên: Không quy rõ trách nhiệm làm lãng phí vốn vay

Quy định cũ không quy định rõ thẩm quyền, có nhiều bộ đều được ủy quyền vay, nên không nắm rõ tổng nợ vay quốc tế và đáo hạn trả nợ như thế nào

TS Nguyễn Đức Kiên
TS Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội
40 bài viết

Đó là quan điểm của Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra khi thảo luận về Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (Hiệp định WTO) để bổ sung Hiệp định tạo thuận lợi hóa thương mại (Hiệp định TF).

Việc quy định những điều luật trong nước khác với điều ước quốc tế đã cam kết đã dẫn đến những vấn đề phát sinh khi áp dụng điều ước quốc tế. Đơn cử trong lĩnh vực kinh tế, vay vốn đối với các tổ chức tài chính nước ngoài như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hoặc các quỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc như Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)… đều đặt ra những yêu cầu khác nhau, nên buộc Việt Nam phải thay đổi quy định để phù hợp với Hiệp định vay.

Ai cũng được vay, khó biết tổng nợ?

Dẫn chứng cụ thể, khi tiến hành vay đối với WB hay ADB, đặt ra quy định là chủ đầu tư và cơ quan đấu thầu không được cùng một cơ quan. Như khi đấu thầu làm đường giao thông, theo hiệp ước thì tất cả các Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông (Cienco) sẽ không được tham gia đấu thầu những dự án mà Bộ Giao thông làm chủ đầu tư.

Dẫn tới, để các Cienco này có thể được đấu thầu, phải tính đến hình thức “đối phó” là giao cho Bộ Nội vụ ban hành quyết định bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng thành viên và Tổng giám đốc các Cienco. Tức là hợp thức hóa việc “tách” Cienco ra khỏi Bộ Giao thông Vận tải để những đơn vị này được tham gia đấu thầu dự án mà Bộ này vay vốn của các tổ chức tín dụng nước ngoài trên.

Đối với quy trình tham gia Hiệp ước quốc tế và phân chia trách nhiệm thực hiện Hiệp ước, những quy định cũ cũng không quy định rõ thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng. Dẫn đến tình trạng, có nhiều bộ đều đứng ra, được ủy quyền vay.

“Ngân hàng Nhà nước đứng ra vay, Bộ Tài chính đứng ra vay, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đứng ra vay… để vay vốn ODA và các khoản tiền khác. Nghiễm nhiên, đến thời điểm ta cũng không nắm rõ lắm tổng nợ vay quốc tế phân chia và đáo hạn trả nợ như thế nào” – Đại biểu Nguyễn Đức Kiên thẳn thắn chỉ ra.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện lại chia ra nhiều bước là đàm phán, xin chủ trương ký kết. Tuy nhiên, trong quá trình phê duyệt đàm phán rất “lòng vòng”, trên cơ sở tờ trình của Chính phủ hoặc người đứng đầu các bộ ngành, gửi lên Chủ tịch nước, sau đó lại ủy quyền cho các Bộ đi đàm phán và thành lập đoàn đàm phán. Thông thường, sẽ có một vụ phó của các Bộ đi đàm phán để trình ký các Hiệp định vay vốn.

Quy trình này cũng làm "khó" cho Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách chỉ ra những bất cập trong quá trình thực hiện thủ tục để đi đàm phán vay vốn nước ngoài.

“Chủ tịch nước gửi sang Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị phải có văn bản cho ý kiến. Các văn bản rất nhiều, có tháng đến vài chục cái, mà có khi gửi buổi sáng chiều đề nghị có văn bản trả lời ngay. Nhiều khi tôi ký đồng ý với đề nghị của Chính phủ mà không kịp nghiên cứu” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nói.

Không quy rõ trách nhiệm làm lãng phí vốn vay

Theo Đại biểu Kiên, quy định này khiến cho việc phân định trách nhiệm gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như việc đàm phán vay vốn ODA với Trung Quốc để thực hiện tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, dự kiến vay khoảng 800 triệu USD, nhưng khi triển khai dự án đội vốn lên tới 1,2 triệu USD. Như vậy, giá dự toán tăng lên gấp 1,5 lần song lại không có ai chịu trách nhiệm.

Đến nỗi, Đại biểu Kiên phải bức xúc: “Đàm phán thì phải biết trước, giờ triển khai rồi và nói đàm phán không biết thì đi đàm phán làm gì? Không ai có trách nhiệm gì cả. Nói ra thì bảo tại sao bức xúc nhưng tiền nhà nước cứ chảy ra ầm ầm”.

Vị đại diện của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội còn dẫn chứng thêm, khi trực tiếp tham gia thẩm định dự án vay ODA theo Hiệp ước Quốc tế tại Lào Cai, vay tới 27 triệu USD nhưng chỉ chỉ làm vài… ki-ốt đặt máy tính chợ trên Sapa và nói là dự án cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hoặc gọi là dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tiểu vùng Mê Kông, nhưng các địa phương xin vốn lại là Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, phía Tây nghệ An, Quảng Trị… Đến nỗi Đại biểu Kiên phải ví von: “Không hiểu dốt địa lý mà sao vùng Mê Kông lại nằm ở những tỉnh này? Hay tiểu vùng Mê Kông là các tỉnh ven bốn nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan”.

Đại biểu Kiên còn kể thêm: “Hỏi lại các đồng chí, bảo tên dự án nó thế, giờ mình đi vay nên phải đưa vào. Các anh thông cảm cho ý kiến thông qua để các em còn đi đàm phán”?!

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cần thống nhất trong quản lý nợ công, những khoản vay nợ mà Chủ tịch nước ký như khoản vay ODA, khoản vay nước ngoài của Nhà nước, thì phải quy định trong Luật Điều ước quốc tế, là nhân danh Nhà nước, để phù hợp điều chỉnh của Điều ước quốc tế.

Những khoản vay khác cụ thể có thể đưa vào Luật Quản lý nợ công. Đơn cử như trường hợp uỷ quyền, như Chính phủ uỷ quyền cho các bộ, hoặc Chính phủ vay vốn bảo lãnh thì có thể đặt ở Luật Quản lý nợ công.

Khi đã đàm phán và ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ thì những quy định trong điều luật sẽ không sửa đổi được, mà phải xử theo cam kết. Do đó, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, trong Hiệp ước cần thể hiện rõ hơn trách nhiệm đối với những khoản vay này.

Sơn Hà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên