MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Vũ Tiến Lộc: Các địa phương đừng chỉ “sính ngoại” mà ưu tiên cho FDI

Có một thực tế là chính quyền địa phương đang coi trọng nhà đầu tư nước ngoài hơn là doanh nghiệp tư nhân trong nước…

Trao đổi với chúng tôi về chính sách ưu đãi hiện nay giữa các DN FDI và DN trong nước, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đang có một sự thiếu bình đẳng trong cách ứng xử với hai thành phần DN này.

“Đúng là trong thái độ, cách làm việc của chính quyền địa phương họ coi trọng các nhà đầu tư nước ngoài hơn là tư nhân trong nước. Phải tạo điều cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng phải lưu ý rằng cần phải bình đẳng cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước và DN nhỏ và vừa, chứ không chỉ chăm chăm vào các dự án đầu tư lớn của nước ngoài” – Ông Vũ Tiến Lộc thẳng thắn nói.

Sự cạnh tranh cần phải bình đẳng

Theo đó, Chủ tịch VCCI cho rằng cần phải có một hành xử, định hướng chính sách hợp lý để tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa, DN tư nhân trong nước phát triển. Tuy nhiên, chính các DN trong nước cũng phải tự vươn lên để cạnh tranh, tạo ra giá trị và lợi ích cho đất nước. Bởi mục đích cuối cùng là tạo ra việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách, tạo giá trị gia tăng và thương hiệu của Việt Nam, nên sự cạnh tranh là bình đẳng.

Sự bất bình đẳng trong các chính sách ưu đãi của DN tư nhân cũng được so sánh với các DN nhà nước (DNNN), theo TS. Vũ Tiến Lộc hiện Nhà nước đã có chủ trương, là cần có chính sách và đảm bảo môi trường minh bạch và bình đẳng cho DNNN và tư nhân. Tuy nhiên, điều quan trọng là ở các cập thực thi cần phải có hành xử và giải quyết ở từng vấn đề, trường hợp cụ thể để làm sao đảm bảo thực hiện đúng chủ trương đã đưa ra.

Đặt trong bối cảnh cạnh tranh còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời gian tới chi phí cho lao động sẽ tăng và thị trường đầu ra chưa có dấu hiệu tích cực, nên ông Lộc cho rằng các DN cần phải cải thiện năng lực quản trị, công nghệ, trên cơ sở nền tảng cải cách của Chính phủ, tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng.

Chủ tịch VCCI khuyến nghị: “Các DN Việt Nam cần phải vì trách nhiệm với đất nước để vươn lên. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi sẽ không phải là chính sách bảo hộ như trước đây, mà đó là chính sách bình đẳng, trên cơ sở chính quyền phải đối xử bình đẳng, bảo vệ doanh nghiệp tư nhân, chứ không chỉ sính ngoại”.

Định hướng đã rõ, mấu chốt là thực thi chính sách

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các chính sách để tạo sự kết nối, có cơ chế thúc đẩy mối liên kết giữa DN FDI và các DN trong nước. Việc tạo ra các chính sách để hình thành nên được những chuỗi giá trị sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia với các DN trong nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để tạo tác động lan tỏa, chuyển giao nghệ.

“Chúng ta đã tăng được lượng đầu tư FDI, đóng góp lớn vào phát triển, góp phần tăng GDP và việc làm, nhưng hiệu quả công nghệ, mục tiêu hướng tới công nghệ nguồn, công nghệ cao chưa đạt được như kỳ vọng. Do đó, trong giai đoạn sắp tới cần hướng tới điều này. Tôi kỳ vọng những hiệp định mà chúng ta đang tham gia với EU, TPP sẽ thúc đẩy đa dạng hóa thị trường đầu tư và tạo sự thay đổi về chất” – TS. Vũ Tiến Lộc nhận định.

Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương cần phải công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, với quy trình thủ tục rõ ràng. Mà trước hết là cần công khai rõ ràng quy hoạch, có cơ chế giải quyết thủ tục đầu tư, lựa chọn dự án đầu tư minh bạch và xây dựng đội ngũ công chức tận tụy. Việc phân cấp cho các chính quyền địa phương là phù hợp song cũng cần tăng cường hơn sự giám sát của Trung ương trong hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên