TS.Trần Du Lịch: Giành lại niềm tin cho thị trường
Trong ít nhất 2 năm tới, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn cần phải được ưu tiên hàng đầu, nhưng song song với đó cũng phải thực hiện các giải pháp nhằm giành lại niềm tin cho thị trường và nhà đầu tư.
Đó là nhận định của Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, khi trao đổi với chúng tôi.
Chính phủ đi đúng hướng
Phóng viên (PV): Với những gì đã đạt được, có thể nói năm 2013 vẫn là năm khó khăn của nền kinh tế nước ta. Thậm chí, có doanh nhân bi quan còn lo lắng rằng, khó khăn ấy sẽ còn kéo dài. Ông nói gì về vấn đề này?
Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch: Khó khăn không phải xuất hiện từ năm 2013, mà là hệ quả của 5-6 năm liền bất ổn về kinh tế vĩ mô, từ năm 2008. Ở đây cũng có nguyên nhân bên trong, do cơ cấu kinh tế của chúng ta nên trong hội nhập đã thể hiện yếu kém trong cạnh tranh. Còn nguyên nhân khách quan, bị thị trường thế giới tác động. Trong tình hình kinh tế Việt Nam hội nhập rất sâu kinh tế toàn cầu, thành ra, sự thiếu ổn định của kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, quan trọng vẫn là từ cơ cấu bên trong.
Bởi vì bất ổn kinh tế vĩ mô nên xuyên suốt trong 5-6 năm vừa rồi, Chính phủ tập trung ổn định vĩ mô bằng các biện pháp tình thế. Điều đó làm cho thị trường mất niềm tin, mất định hướng. Những khó khăn như doanh nghiệp phá sản, thua lỗ, vấn đề nợ xấu, hàng tồn kho, sức mua thị trường giảm… là hệ quả của những biện pháp mà chúng ta áp dụng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, những biện pháp Chính phủ áp dụng trong thời gian qua là cần thiết. Bởi, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên. Còn những cái chúng ta thấy, như kinh tế tăng trưởng không cao, là hệ quả mà chúng ta phải trả. Kết quả, chúng ta đã ổn định vĩ mô. Nếu nhìn lại Nghị quyết của Quốc hội, năm 2013 vẫn phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, là ta đã đạt mục tiêu. Mặc dù kinh tế chỉ tăng trưởng khoảng hơn 5%, thấp hơn một chút so với nghị quyết, nhưng giá cả ổn định, dự trữ tăng, ổn định tỷ giá, xuất khẩu tăng. Đó là những tín hiệu tích cực.
Cần có chính sách trung hạn
PV: So sánh với một số nền kinh tế trong khu vực, ông thấy sức tăng trưởng của Việt Nam như thế nào?
Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch: Chúng ta không nên quá bi quan. Mỗi nền kinh tế có đặc điểm riêng. Cũng có nhiều người nói rằng, hiện nay, chúng ta tăng trưởng còn kém hơn Lào và Cam-pu-chia. Thật sự, xét trên quy mô kinh tế thì chúng ta có nhiều điểm khác, điều kiện khác. Chúng ta hội nhập quốc tế sâu hơn, nên khó so sánh như vậy. Tuy nhiên, phải nói rằng, chúng ta vẫn tăng trưởng dưới tiềm năng. Với tất cả những gì đã đầu tư, chúng ta hoàn toàn có thể tăng 7, thậm chí hơn 7%, chứ không phải như hiện nay.
Theo quan điểm của tôi, chúng ta nhận thức được vấn đề. Từ kỳ họp trước, tôi đã đề xuất những biện pháp mạnh hơn. Nhưng chúng ta chưa đủ mạnh để phục hồi niềm tin cho thị trường. Cụ thể, tôi đề nghị phải đưa chương trình trung hạn, khoảng 2-3 năm, để người ta nhìn thấy chính sách thuế thế nào, tín dụng thế nào. Chúng ta cứ làm từng năm theo kiểu “ăn đong”.
Tôi đề nghị, chúng ta phải có tầm nhìn và dự báo về chính sách cho cả năm 2015 để định hướng cho thị trường.
PV: Ông có nhắc nhiều tới niềm tin của thị trường, của nhà đầu tư. Theo ông, đâu là giải pháp để tăng cường niềm tin ấy?
Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch: Đúng. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải giành lại niềm tin cho thị trường, cho nhà đầu tư. Tình hình tín dụng của chúng ta hiện nay cho thấy, những doanh nghiệp làm ăn khá, tình hình tài chính tốt thì không cần vay. Những doanh nghiệp đang vay và đáo nợ, lãi suất cao nên lại kêu. Thực tế, hiện nay vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng thừa tiền, thiếu vốn. Tình trạng thừa tiền, thiếu vốn ấy, tôi đã dự báo từ kỳ họp trước.
PV: Ông cũng vừa nói, nếu phát triển theo đúng mức đầu tư thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được tăng trưởng hơn 7%...
Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch: Hơn 7% là tăng trưởng tiềm năng!
PV: Vậy, tại sao ta không đạt được mức tăng trưởng tiềm năng ấy?
Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch: Rất đơn giản là vì những biện pháp chống lạm phát như siết chặt tín dụng, giảm đầu tư, tức là những biện pháp giảm tổng cầu, thì làm sao kích được thị trường? Đấy là cái giá phải trả.
Giảm đầu tư công để tránh lạm phát
PV: Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Theo đó, mức bội chi được cho phép 5,3%. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang đề nghị tăng phát hành trái phiếu phục vụ đầu tư. Điều này khiến một số ý kiến nghi ngại về khả năng lạm phát sẽ quay lại…
Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch: Đây là một nguy cơ. Trong điều kiện ngân sách hiện nay, một số công trình dang dở cho nên yêu cầu phải tăng phát hành trái phiếu để xử lý dang dở. Điều đó là cần thiết. Nhưng, theo tôi, đồng thời, chúng ta phải rà soát, mạnh dạn cắt giảm hoàn toàn những công trình dù đang dang dở nhưng không thuộc diện ưu tiên.
Bây giờ, tín dụng chưa tăng được, nhưng từ năm 2014 trở đi, tín dụng tăng rồi, đầu tư công phải giảm đi để không làm tăng đột biến về tổng cầu, gây lạm phát. Tôi xin nói lại, trong 2 năm tới mà để lạm phát tăng trở lại ở mức vượt 7%, chúng ta sẽ rất khó xây dựng được tình trạng ổn định vĩ mô trong giai đoạn tới. Đây là bài toán, tôi gọi là một phương trình hai ẩn số. Phải giải cả 2 ẩn số đó cùng lúc.
PV: Chắc ông đã có phương pháp giải cho cả 2 ẩn số đó?
Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch: Phải phối hợp cả các nhóm chính sách. Đó là nhóm chính sách tiền tệ, nhóm chính sách tài khóa và lộ trình tăng giá các loại hình dịch vụ, hàng hóa công như điện, học phí, viện phí… Những loại giá, phí ấy phải tính theo lộ trình, gắn với 2 nhóm chính sách nêu trên, không nên làm tách biệt. Bởi vì, ví dụ như tháng 9 vừa rồi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng là do y tế. Bây giờ còn giá điện, giá than và nhiều cái nữa. Nếu không gắn chúng lại với nhau, mà tách rời khi thực hiện, sẽ gây lạm phát ngay.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!