MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

UBGSTCQG sẽ tham gia giám sát một số tập đoàn kinh tế nhà nước?

Thông tin này được ông Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc Gia (UBGSTCQG) chia sẻ tại Hội nghị triển tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 diễn ra sáng nay (ngày 14/1/2015).

Để làm rõ hơn thông tin này, bên lề Hội nghị chúng tôi đã có trao đổi với ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch UBGSTCQG. Ông Ngoạn cho biết: Đúng là có việc Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề nghị cho phép tham gia giám sát một số Tập đoàn, tổng công ty nhà nước xem làm ăn có hiệu quả không, tuy nhiên công việc này cũng mới ở giai đoạn ban đầu chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Ngoạn, trong phạm vi trách nhiệm của mình thì Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia có điều kiện hết sức thuận lợi là hiện nay đã xây dựng được nhiều hệ thống chỉ tiêu giám sát, áp dụng và dựa trên cơ sở các tiêu chí của giám sát quốc tế. “Các tiêu chí đánh giá tài chính, phân tích rủi ro của các tổ chức tài chính về cơ bản là rộng hơn nhiều, sâu hơn nhiều so với các chỉ tiêu an toàn của doanh nghiệp” – Ông Ngoạn nói.

Cũng theo ông Ngoạn, lâu nay Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã phân tích, đánh giá rất nhiều về tình hình tài chính của khu vực doanh nghiệp, hơn 600 doanh nghiệp niêm yết và gần 1,500 doanh nghiệp là các công ty đại chúng, cho nên Ủy ban có kinh nghiệm trong việc phân tích đánh giá tình hình doanh nghiệp.

Ông Ngoạn cho rằng, việc đánh giá và báo cáo tình hình tài chính của các tập đoàn kinh tế, là một vấn đề mà hiện nay Chính phủ cũng như công luận đang hết sức quan tâm và cần phải được theo dõi đánh giá một cách xác thực và nếu Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia làm được việc này thì sẽ đóng góp trực tiếp cho công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Trước đó, tại Hội nghị khi nói về các khó khăn báo cáo của Ủy ban cũng cho biết, chức năng, nhiệm vụ được giao cho Ủy ban khá nặng nề trong khi đó vị trí, vai trò của Ủy ban chưa được làm rõ về mặt pháp lý, nên chưa có sự đồng thuận cao giữa các cơ quan có liên quan, gây trở ngại rất lớn cho Ủy ban. Ngoài ra, UB thiếu cơ chế tiếp cận thông tin về chính sách và hoạt động của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như của các tổ chức tài chính.

Đặc biệt, khung khổ pháp lý cho hoạt động của tập đoàn tài chính (Luật và các quy định giám sát tập đoàn tài chính chưa được ban hành) nên Ủy ban gặp khó khăn trong giám sát các tập đoàn tài chính;...

Năm 2015, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự kiến sẽ  nâng cao chất lượng giám sát chung thị trường tài chính (ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm), tăng cường phân tích, đánh giá sâu hơn thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm, giám sát đánh giá các dòng vốn chu chuyển giữa các phân khúc thị trường (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) để đánh giá những rủi ro tiềm ẩn, đan xen của cả thị trường tài chính;

Đồng thời, đánh giá tổng quan thị trường tài chính năm 2015 và cảnh báo nguy cơ rủi ro tiềm ẩn của thị trường tài chính và tác động đến khu vực kinh tế thực và  tham mưu trong tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu tổ chức tín dụng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán và tái cơ cấu thị trường bảo hiểm.

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên