MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao TPP chưa thể dỡ bỏ mọi rào cản thuế quan?

Dường như các hiệp định thương mại tự do chưa thể dỡ bỏ hoàn toàn mọi rào cản thuế quan như đúng tên gọi của nó. Bởi chúng ta sẽ không thể đạt được điều mà mình muốn nếu như đối phương vẫn chưa đạt được mục tiêu của họ...

Theo ông Alan Wolff – Chủ tịch Hội đồng ngoại thương quốc gia Hoa Kỳ, các nhà đàm phán đến từ 12 quốc gia thành viên TPP vẫn đang nỗ lực tìm ra tiếng nói chung cho hiệp định được coi là lớn nhất của thế kỷ 21 này. Trong đó, các vấn đề về thuế ô tô, đường và bơ sữa vẫn là những “nút thắt” lớn của TPP.

Đối với các sản phẩm công nghiệp, Mỹ đánh thuế nhập khẩu trung bình khoảng 1,5% nhằm mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Hiện thuế nhập khẩu ôtô và linh kiện ôtô cá nhân là 2,5%; còn đối với xe tải nhẹ, thuế ở mức 25%.

Trên thực tế, Mỹ đã áp mức thuế nhập khẩu khá cao từ 50 năm trước. Khi thị trường chung Châu Âu được thành lập vào những năm 1960, khu vực này đã cấm nhập khẩu gà từ Mỹ, tạo nên "cuộc chiến giá gà". Thậm chí, có thời kỳ, gà Mỹ không thể vượt qua Đại Tây Dương.

Ngược lại, Mỹ đã áp mức thuế khá cao đối với các sản phẩm rược cognac, tinh bột khoai tây, hóa chất và trong đó có cả xe tải nhỏ. Đây được coi là một đòn đánh trả của Mỹ với Đức khi vào thời gian đó, các loại xe bus của Volkswagen được nhập khẩu khá phổ biến vào Mỹ.

Các dòng thuế của Mỹ được áp dụng nhằm hạn chế nhập khẩu từ các nước; đặc biệt là hàng hóa từ châu Âu. Theo thời gian, mức thuế đối với nhiều sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ đã giảm, tuy nhiên thuế nhập khẩu xe ô tô vẫn không thay đổi; kể cả với ô tô nhập khẩu từ Nhật do đe dọa cạnh tranh từ thị trường này ngày càng gia tăng.

Để được hưởng ưu đãi thuế quan, nhiều hãng ô tô của Nhật đã mở thêm cơ sở sản xuất tại Mỹ. Vì vậy, trong cuộc chiến giữa Mỹ với châu Âu, các hãng xe Nhật như Toyota, Nissan, Honda và Subaru đã có mặt trên khắp Hoa Kỳ và được hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường này.

Trong đàm phán TPP với Hoa Kỳ, Nhật Bản đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô của nước này; nhưng có điều kiện và theo từng giai đoạn. Ngược lại, Nhật cũng sẽ nới lỏng quy định và tạo điều kiện cho các hãng xe của Mỹ tiếp cận thị trường Nhật Bản.

Một nút thắt khác của TPP tại Maui là thỏa thuận về đường và bơ sữa nhập khẩu. Từ thời thuộc địa, nước Anh đã áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng đường và mật từ vùng biển Caribe nhằm duy trì lợi nhuận cho ngành sản xuất trong nước. Sau khi thời kỳ cai trị của nước Anh kết thúc, các mức thuế này vẫn được Mỹ duy trì.

Mục đích ban đầu của Mỹ là nhằm tăng nguồn thu từ thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, đến những năm 1913, khi thuế thu nhập tăng lên và quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu đòi hỏi phải cắt giảm thuế quan, thuế nhập khẩu không còn là nguồn thu chủ yếu của Chính phủ Mỹ.

Mỹ vẫn áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu đường để bảo vệ sản xuất trong nước; khiến cho giá đường nước này cao gần gấp rưỡi so với thế giới. Người dân Mỹ cho rằng, họ phải trả thêm khoảng 40cent/pound tiền thuế với mặt hàng đường; cũng như các mặt hàng kẹo, bánh có đường.

Trong khi đó, Australia xuất khẩu đường ra thế giới với mức giá cực kỳ rẻ. Tham gia đàm phán TPP, Australia kỳ vọng Mỹ xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường của nước này.

Bên cạnh đường, thị trường bơ sữa cũng gặp vấn đề tương tự. Các sản phẩm sữa đóng góp gần 30% tổng giá trị xuất khẩu của New Zealand và 7% trong tổng GDP nước này, chính vì vậy việc mở rộng thị trường xuất khẩu sữa mang ý nghĩa quan trọng với New Zealand.

Đối với Canada, việc bảo vệ quyền lợi cho các nông dân ngành sữa cũng có tầm quan trọng rất lớn, khi nước này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử quan trọng. Hiện nay thuế nhập khẩu các sản phẩm sữa tại Canada là 248,95%. Nếu thuế này được bãi bỏ hoàn toàn sau khi gia nhập TPP, sữa New Zealand có thể tràn ngập thị trường Canada và nhiều thị trường khác.

Tuy nhiên, trong vòng đàm phán tại Maui, New Zealand cùng các bên Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản chưa đạt được thỏa thuận thống nhất về điều khoản này.

Bên cạnh đó, thị trường may mặc cũng chưa được dỡ bỏ hoàn toàn các dòng thuế và cần tuân theo yêu cầu về quy tắc xuất xứ.

“Dường như các hiệp định thương mại tự do chưa thể dỡ bỏ hoàn toàn mọi rào cản thuế quan như đúng tên gọi của nó. Bởi chúng ta sẽ không thể đạt được điều mà mình muốn nếu như đối phương vẫn chưa đạt được mục tiêu của họ” - Alan Wolff cho biết.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên