MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Việt Nam cứ đi nhanh là kiểu gì cũng sống”

Đó là chia sẻ của TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi đánh giá về tiến trình hội nhập của Việt Nam tại hội thảo "Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo "Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” do BIDV tổ chức sáng 10/6, TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, Việt Nam hội nhập “máu me, dũng cảm” vì là nước nghèo yếu nhưng dám chơi với các nước lớn hơn.

Theo ông Thành, ASEAN sẽ là sân chơi “tập dượt” trước khi Việt Nam ra biển lớn khi muốn "chơi" với Châu Âu, Mỹ, Nhật. Đồng thời, liên kết ASEAN và AEC sẽ giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh “mặc cả”, góp phần giảm khoảng cách phát triển trong ASAN.

"Không có nước nào trừ Singapore cùng lúc mở cửa với ASEAN và với Hoa Kỳ. Đây là cách tốt để Việt Nam trở thành nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tham gia vào mạng lưới các chuỗi giá trị hàng đầu thế giới như Nhật Bản, EU, Mỹ…” – ông Thành nhận định.

Với 4 trụ cột chính là một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; một khu vực kinh tế cạnh tranh; sự phát triển kinh tế công bằn và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, AEC hướng tới mục tiêu tăng trưởng toàn diện và thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia trong khu vực.

Theo TS Võ Trí Thành, AEC là một quá trình và cần nhìn nhận AEC xa hơn - AEC sau 2015. Mục tiêu của AEC khác với TPP. AEC nhấn mạnh đến thu hẹp khoảng cách phát triển, thể chế AEC là thể chế rất mềm, thậm chí yếu.

"Hội nhập tuy khó khăn nhiều, thách thức lớn nhưng tôi tin Việt Nam cứ đi nhanh là kiểu gì cũng sống" - ông Thành chia sẻ.

Trên cơ sở đó, TS Võ Trí Thành cũng đưa ra những đề xuất, định hướng cho doanh nghiệp Việt khi ngưỡng cửa AEC đang đến rất gần.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần học quản trị sự bất định; cụ thể: hiểu và sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro biến động; nhận thức và đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn các hàng rào kỹ thuật; nhận thức vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô và thay đổi chính sách.

Thứ hai, cần tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu; “chen chân” sản xuất kinh doanh theo phân khúc, theo mạng, cụm, chuỗi; tham gia phát triển kết cấu hạ tầng; kinh doanh lĩnh vực ngành nghề mới phát triển.

Thứ ba, biết chấp nhận cạnh tranh cùng học kết nối, chuyển dần từ cách thức cạnh tranh "bằng giá" sang chú trọng cạnh tranh "phi giá"; phát triển, toàn cầu hóa quá trình tích tụ và phân khúc cụm, mạng, chuỗi.

Thứ tư, doanh nghiệp cần đồng hành với Chính phủ và biết "đối thoại" pháp lý, nắm thông tin về hội nhập cùng chính sách, cải cách của Chính phủ; trao đổi, đối thoại đây đủ, sâu sắc doanh nghiệp - Chính phủ; Hiểu biết cơ sở pháp lý cơ chế, quy trình giải quyết tranh chấp, tranh luận và thực thi đảm bảo hợp đồng kinh doanh và quyền lợi doanh nghiệp.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên