Việt Nam trước nhiều cơ hội và thách thức khi hình thành AEC
Ngày 31/12 tới, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành, đánh dấu một bước ngoặt của sự hòa nhập toàn diện giữa các nền kinh tế Đông Nam Á.
- 29-11-2015Gia nhập AEC: Cùng đi thì sẽ tiến rất xa
- 29-11-2015Vào AEC: Không còn doanh nghiệp “sân nhà”
- 13-10-2015Chuẩn bị cho hội nhập lao động AEC: Có phải VN đang chậm hơn?
AEC đi vào hoạt động, cơ hội và thách thức sẽ chia cho cả 10 quốc gia thành viên. Việt Nam sẽ phải chuẩn bị cho mình hành trang kỹ càng để bước vào cuộc cạnh tranh của hội nhập.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt trên 40 tỷ USD, hiện ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu), đồng thời là đối tác cung cấp nguồn hàng lớn thứ hai cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc hình thành AEC sẽ mang lại những cơ hội lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước. Trước hết, đó là cơ hội mở rộng thị trường với khu vực kinh tế hơn 630 triệu dân và GDP hàng năm đạt gần 2.700 tỷ USD.
Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn, là những đối tác đã ký hiệp định thương mại tự do riêng rẽ với ASEAN, như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Khi AEC được hình thành, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp cận thị trường của Việt Nam sẽ được cải thiện bởi môi trường thương mại hiệu quả, minh bạch, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thiểu chi phí cho các giao dịch thương mại quốc tế sẽ góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh, từ đó có thêm cơ hội mở rộng đầu tư ra các nước khu vực.
Hàng rào thuế quan dần được loại bỏ, các hàng rào phi thuế được cắt giảm sẽ giúp hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động lưu chuyển thông thoáng hơn, tạo tiền đề nâng cao sức mạnh của nền kinh tế.
Đặc biệt, việc tham gia AEC cũng sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao trình độ phát triển, nhất là sẽ mang lại những lợi ích quan trọng về việc làm cho các ngành xây dựng, thương mại và vận tải (hiện Việt Nam đang là quốc gia tập trung tới 1/6 lực lượng lao động của khu vực ASEAN). Sẽ có thêm hàng triệu việc làm mới nhờ tác động của AEC.
Theo dự báo, AEC sẽ đẩy mạnh các xu hướng chuyển dịch cơ cấu hiện đại. Tỷ trọng việc làm của ngành công nghiệp sẽ tăng lên 23,5% vào năm 2025. Đặc biệt, sự mở rộng đáng kể của ngành thương mại và vận tải hàng hóa, dịch vụ sẽ trở thành khu vực tạo việc làm chủ lực, chiếm 41,3% tổng việc làm trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng từ các nước ASEAN để bổ sung vào nguồn lực sẵn có, khắc phục tình trạng thiếu lao động trình độ cao hiện nay.
Tuy nhiên, tham gia AEC, Việt Nam cũng đối mặt không ít thách thức khi mà xuất phát điểm còn thấp và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu kém.
Năng lực cạnh tranh yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam thể hiện rõ cả ở quy mô nhỏ bé về vốn liếng, thiết bị lạc hậu, công nghệ đi sau hàng nhiều chục năm so với các nước trong khu vực, cũng như ở đội ngũ lao động chủ yếu chưa qua đào tạo, quản trị doanh nghiệp yếu kém, nhất là đối với đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là tư duy kinh doanh, tầm nhìn ngắn.
Đây thực sự là những thách thức khi Việt Nam hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.
Khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, áp lực cạnh tranh lớn sẽ đè lên các doanh nghiệp trong nước, bởi sự tràn ngập của hàng hóa từ các nước ASEAN.
Cùng với đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa các nước khác trên thị trường ASEAN.
Với thiết bị, công nghệ và quy trình sản xuất như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá thành và chất lượng với các doanh nghiệp khác trong khu vực, như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan.
Nếu các doanh nghiệp không chủ động, tích cực điều chỉnh, thì nguy cơ thua ngay trên sân nhà là khó tránh khỏi.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong thị trường các nước ASEAN, Việt Nam có thặng dư thương mại không đáng kể với Campuchia, Philippines, Indonesia và Myanmar, trong khi đó thâm hụt thương mại rất lớn với Thái Lan (3,45 tỷ USD) và Singapore (3,09 tỷ USD).
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với các rào cản kỹ thuật mà các đối tác thương mại dựng nên nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Với AEC, các rào cản phi thuế quan sẽ được giảm bớt nhưng mới chỉ là bước khởi đầu, và việc loại bỏ sẽ là quá trình lâu dài.
Một thách thức nữa mà Việt Nam phải tính đến là làm thế nào tận dụng được lợi thế về nguồn lao động và tài nguyên dồi dào, trong khi phải chuyển dịch lên chuỗi giá trị cao hơn thông qua việc chú trọng vào các ngành/sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tránh bẫy thu nhập thấp.
Trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn tận dụng được lợi thế so sánh tĩnh về nguồn lao động giá rẻ trong các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.
Tuy nhiên, lợi thế này đang trên đà giảm sút, do vậy trong trung và dài hạn Việt Nam phải hướng đến tạo lập và duy trì lợi thế so sánh động trong những ngành nghề có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách phát triển nguồn nhân lực và nâng cấp cơ sở hạ tầng của quốc gia.
Vấn đề hài hòa các cam kết, các tuyến hội nhập cũng đặt ra thách thức cho Việt Nam khi AEC được hình thành. Cho đến nay các cam kết WTO được coi là toàn diện nhất.
Các hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng khác, như với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ…, được ký kết trực tiếp song phương hoặc thông qua ASEAN, đã và đang được thực hiện. Tuy nhiên, rủi ro có thể phát sinh từ sự khác biệt trong các cam kết mà Việt Nam ký kết với các đối tác trong các thỏa thuận khác nhau.
Như vậy, đảm bảo hài hòa các cam kết, các tuyến hội nhập là một yêu cầu quan trọng, để ngăn chặn các tác động không mong muốn có thể làm méo mó phân bổ nguồn lực.
Hơn nữa, cần gắn quá trình tự do hóa với tăng cường hợp tác để không chỉ thúc đẩy các cải cách kinh tế trong nước, mà còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế sâu rộng với các thành viên ASEAN khác.
Cần nhận thức rõ rằng, hội nhập không chỉ đơn thuần là bãi bỏ tất cả rào cản. Quá trình hội nhập cần cân đối các biện pháp điều chỉnh phù hợp, nhằm thu hút sự tham gia của người dân và giảm thiểu nguy cơ gia tăng chi phí môi trường hoặc rủi ro xã hội./.