Vốn FDI của Nga “chảy” mạnh vào ngành khai khoáng
Mặc dù Liên bang Nga chỉ có 7 dự án trong lĩnh vực khai khoáng nhưng vốn đầu tư đăng ký đạt 581,2 triệu USD (chiếm 29,7% vốn đầu tư của Nga tại Việt Nam). Trong đó, có 6 dự án trong lĩnh vực dầu khí với tổng vốn đầu tư là 531 triệu USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến nay, các nhà đầu tư Nga đã có 106 dự án đầu tư còn hiệu lực và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,95 tỷ USD; xếp thứ 17/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Bình quân một dự án của Liên bang Nga tại Việt Nam có số vốn đăng ký 18,5 triệu USD, cao hơn mức trung bình của một dự án FDI tại Việt Nam hiện nay là 14,1 triệu USD.
Các nhà đầu tư Nga đã đầu tư vào 13/21 ngành kinh tế trong hệ thống phân ngành kinh tế của Việt Nam. Trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 35 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 1,13 tỷ USD (chiếm 57,7% vốn đầu tư của Liên bang Nga tại Việt Nam).
Ngành khai khoáng đứng thứ hai với 7 dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 581,2 triệu USD (chiếm 29,7% vốn đầu tư của Liên bang Nga tại Việt Nam). Trong đó, có 6 dự án trong lĩnh vực dầu khí với tổng vốn đầu tư là 531 triệu USD.
Vốn đầu tư của Nga phân bổ ở 24/63 tỉnh, thành của Việt Nam (tính cả khu vực dầu khí ngoài khơi). Trong đó, tỉnh Bình Định dẫn đầu với dự án của Công ty TNHH Bus Industrial Center, tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 1 tỷ USD, cấp phép ngày 12/4/2013 của nhà đầu tư Tokarev Genadii Invanovich.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đầu tư khá lớn vào Liên bang Nga, với 18 dự án và vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD. Nga là thị trường đầu tư lớn thứ 3 của Việt Nam trong tổng số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng có nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác truyền thống lâu đời và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư.
Nguyệt Quế