Vòng xoáy lạm phát mới?
Nguyên nhân lạm phát ở Việt Nam những năm gần đây được coi là sâu xa dẫn đến mất ổn định các cân đối vĩ mô và đẩy lạm phát tăng cao là do cơ cấu kinh tế và hiệu quả đầu tư.
Nguy cơ lạm phát và thách thức tăng trưởng có thể nói đang ở vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Nhiều nghiên cứu và quyết sách được đề xuất, song vẫn mang nặng tính tình thế, cho thấy việc nhận dạng thực chất vấn đề chưa đạt đến mức cần thiết.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện một loạt nỗ lực cắt giảm lãi suất. Đây là một giải pháp thích hợp, bởi lạm phát có xu hướng giảm và tính thanh khoản không còn căng thẳng như những tháng cuối năm 2011. Tuy nhiên, liệu điều này có là động lực đủ để đẩy mạnh sản xuất?
Vòng xoáy "trôn ốc" lại bắt đầu
Một thời gian dài thắt chặt tín dụng và tăng lãi suất dẫn đến tình trạng trì trệ sản xuất và phá sản của doanh nghiệp (DN). Thêm vào đó, chính sách thuế và phí đã dẫn đến giảm thu nhập của người lao động và tiếp theo làm giảm sức mua (nhu cầu thiết yếu cuối cùng).
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách tín dụng thắt chặt và lãi suất cao trong một thời gian dài (trong suốt năm 2011 cho đến năm 2012), cộng với giảm sức mua, nhiều DN đã không còn động lực để mở rộng sản xuất. Do đó, DN trong tình trạng "khỏe mạnh" cảm thấy không cần thiết phải vay tiền để mở rộng sản xuất, và những DN "yếu" lại thấy khó có thể tiếp cận đến khoản vay này.
Một chủ DN đã phải thốt lên: "Ngân hàng chết đã có Nhà nước cứu, DN chết thì ai cứu?". Hệ thống ngân hàng được ví như dòng máu để nuôi một cơ thể sống, đó là nền kinh tế. Và điều gì sẽ xảy ra khi "cơ thể sống" không còn hấp thụ được "dòng máu" này nữa?
Theo Ts. Đào Văn Hùng - Học viện Chính sách và Phát triển, người dân và DN không còn "mặn mà" với việc tiếp cận vốn, vì vay để làm gì khi không còn động lực để mở rộng sản xuất - kinh doanh? Các ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện việc nới rộng tín dụng đối với bộ phận DN thực sự "khát vốn" có đúng theo chủ trương của NHNN hay không, hay vẫn trong tình trạng thắt chặt tín dụng?
"Khi một DN được liệt vào diện nợ quá hạn hoặc nợ xấu, các NHTM ngay lập tức áp dụng một khung lãi suất "trên trời", với tài sản cầm cố của DN và người dân thì phía được lợi chính là hệ thống ngân hàng. Còn DN có thể bị đẩy đến bờ vực phá sản, người dân thì bị đẩy vào tình trạng càng khó khăn hơn", ông Hùng nói.
Như vậy, có một câu hỏi được đặt ra: nền kinh tế Việt Nam sẽ trông chờ vào xuất khẩu? Điều này lại phụ thuộc vào tăng trưởng và sức mua của các nước khác, trong khi nền kinh tế thế giới trong năm 2013 được dự báo không mấy sáng sủa.
Còn Ts. Bùi Trinh - Tổng cục Thống kê, cho rằng nguyên nhân của lạm phát còn liên quan đến tình trạng độc quyền của các tập đoàn, tổng công ty như xăng dầu, điện. Tính riêng trong tháng 8/2012, giá xăng đã tăng 2.650 đồng/lít. Tính toán các tác động của việc tăng giá xăng dầu từ bảng SUT 2010 (bản cập nhật), có thể thấy tác động trực tiếp chỉ của riêng việc tăng giá xăng dầu là 0,65%, tác động gián tiếp là 1,4%, tổng các tác động đến giá sản xuất vào khoảng 2,05%.
"Những ảnh hưởng này không chỉ làm CPI tăng ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mà còn ảnh hưởng đến cơ cấu của tiêu dùng, trong khi mức thu nhập không tăng, thậm chí giảm do sản xuất đình trệ sẽ dẫn đến cầu về tiêu dùng ngày càng kém đi, và một vòng xoáy theo hình "trôn ốc" của đình đốn lại bắt đầu. Và đương nhiên vòng xoáy sau phải nhỏ hơn vòng xoáy trước", ông Trinh cho biết.
Chưa giải quyết triệt để tận gốc
Mục đích của Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn các khoản đầu tư công có xu hướng đầu tư vào các lĩnh vực không trực tiếp tác động vào khu vực sản xuất - kinh doanh, tính lan tỏa không rõ rệt. Trong khi đó, việc tăng gấp đôi đầu tư từ ngân sách nếu không có hiệu quả lại có thể gây khó khăn thêm cho các năm tiếp theo. Chẳng hạn, hiện rất nhiều cơ quan bắt đầu xây trụ sở mới, mua sắm xe cộ… Thậm chí, một số dự án sản xuất - kinh doanh của DN nhà nước cũng đang phải hoàn công "gấp rút", nhưng chất lượng và hiệu quả lại kém.
Vẫn theo Ts. Bùi Trinh, sử dụng đầu tư công như vậy có thể tạo thêm một chút việc làm, giảm một chút tồn kho về vật liệu xây dựng, tăng một chút GDP, nhưng chỉ tại một thời điểm chứ không hề lan tỏa theo hướng tích cực đến các năm sau. Trong khi ảnh hưởng tiêu cực dường như lại rõ ràng. Vì nguyên nhân sâu xa của tình trạng lạm phát cao ở Việt Nam chính là do đầu tư không đúng chỗ và không hiệu quả. Như vậy, hiệu quả đầu tư sẽ xuống thấp hơn nữa ở giai đoạn tiếp theo, và vòng xoáy lạm phát hoặc vừa lạm phát vừa suy trầm lại có nguy cơ xảy ra.
Ts. Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế quốc dân, thì tỏ ra lo lắng khi những giải pháp chống lạm phát chủ yếu xử lý vấn đề mang tính bề mặt của hiện tượng tiền tệ, chưa gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như tận dụng triệt để tác động của hội nhập. Nhiều giải pháp áp dụng như xử lý nợ xấu thông qua thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC), giảm lãi suất huy động theo phương châm nới lỏng tín dụng, sử dụng gói tín dụng hàng chục nghìn tỷ đồng để khuyến khích mua nhà thu nhập thấp hay nhà ở xã hội… có thể xem như những giải pháp chữa trị tình thế. Suy cho cùng, chưa có giải pháp giải quyết triệt để tận gốc.
Khi nền sản xuất bị giảm tốc độ tăng trưởng, các khoản thu ngân sách gặp khó khăn có thể dẫn tới bội chi ngân sách, nợ nần tăng thêm. Nếu đầu tư của khu vực tư nhân cũng gặp khó do tín dụng gần như không tăng sẽ chỉ gây nguy cơ suy giảm kinh tế, mà biện pháp khắc phục suy giảm bằng cho vay "ồ ạt" trong điều kiện giá năng lượng, giá dịch vụ trong nước tăng mạnh và giá cả thế giới cũng tăng sẽ tạo thêm vòng xoáy phức tạp hơn về nguy cơ lạm phát mới.
|
Theo Việt Nguyễn