MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xăng dầu giảm - cơ hội kích cầu

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15-12-2015 giá bình quân xăng dầu đã giảm tới gần 41%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
308 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Ngay tháng đầu năm này giá xăng dầu trên thế giới vẫn tiếp tục giảm sâu. Điều gì xảy ra với nền kinh tế Việt Nam khi giá xăng dầu vẫn nối đà lao dốc.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, Việt Nam (VN) nên tính đến phương án giảm khai thác dầu thô. Tập đoàn Xăng dầu VN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nên xem xét cân đối chi phí sản xuất và giá trị xuất khẩu thu lại. Nói cách khác, nếu khai thác dầu so với giá bán lỗ thì nên dừng khai thác.

Giá tiêu dùng vẫn chây ì

. Phóng viên: Theo quy luật thông thường, giá dầu giảm sẽ kích thích sản xuất, tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế. Nhưng thực tế thời gian qua giá dầu giảm mà chứng khoán vẫn trên đà lao dốc, kinh tế vẫn ì ạch là do đâu, thưa ông?

+ TS Nguyễn Trí Hiếu: Xăng dầu giảm cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán bởi nhà đầu tư đang có xu hướng bán cổ phiếu của các doanh nghiệp (DN) xăng dầu. Việc giá xăng dầu giảm khiến giá cổ phiếu của DN xăng dầu liên tục giảm điểm, vì vậy xu hướng bán ra đang ngày một nhiều khi cổ phiếu giảm nhà đầu tư rút vốn, DN xăng dầu sẽ càng khó khăn.

Không chỉ lĩnh vực tài chính mà xăng dầu giảm đánh thẳng vào mặt bằng giá cả, cộng với mức cầu giảm sút đi đẩy lạm phát xuống, sức cầu giảm. Nhiều chuyên gia nói cầu tăng nhưng theo tôi, mức cầu có phần thuyên giảm. Trong cái sự thuyên giảm đó, tác động đến giá cả nếu không cẩn thận mình sẽ chuyển từ nền kinh tế có lạm phát thấp thành nền kinh tế giảm phát, nghĩa là lạm phát âm rất nguy hiểm trong năm 2016. Trong tháng 1 lạm phát đã xuống tới con số 0 phẩy mấy % rồi nên mình phải đẩy cầu lên để phát triển kinh tế.

. Trong bối cảnh này, chúng ta nên làm gì để kích thích nền kinh tế phát triển, thưa ông?

+ Lúc này phải tận dụng giá xăng dầu giảm để tăng sức mua lên. Số tiền giảm ấy người tiêu dùng dùng vào mua sắm, tăng sinh hoạt gia đình… Tăng cường sản xuất, kinh doanh và tăng sức cạnh tranh các mặt hàng hóa của VN ra thị trường thế giới và vì thế có thể có lợi cho kinh tế nhiều hơn.

Từ đó Chính phủ sẽ nhận được thu thuế bù cho việc thất thu từ giá xăng dầu giảm. Một mặt vì xăng dầu giảm thì Chính phủ có thể tăng thuế từ nhập khẩu lên. Vấn đề là làm sao mình chuyển được mô hình quản lý kinh tế, sản xuất, kinh doanh sao cho đem được lợi lớn cho đất nước trong bối cảnh thế này. Với việc giá nguyên liệu giảm, chúng ta sẽ giảm được giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa và mở rộng thị trường sang nhiều khu vực.

Việc hội nhập của VN ngày càng phải sâu hơn đi vào kinh tế thị trường hơn. Chứ hiện nay đâu đó nền kinh tế vẫn được kiểm soát bởi chính phủ. DN có vốn nhà nước vẫn là DN mang tính chủ đạo, họ có ưu đãi đặc biệt, vì thế làm mất tính cạnh tranh. DN vừa nhỏ lại có vị trí thấp kém nên cần thay đổi để đẩy mạnh tính cạnh tranh và giảm thiểu vị trí chủ đạo của DN nhà nước.

. Vậy theo ông, tại sao giá xăng dầu giảm mạnh và liệu có tiếp tục giảm nữa trong năm 2016?

+ Nguồn cung trên thị trường về xăng dầu khá dồi dào, các nước xuất khẩu dầu hỏa họ cần ngoại tệ để phát triển kinh tế như Nga, phần lớn xuất khẩu kinh doanh của họ là dầu hỏa. Hay như Venezuela.. hay Iran là nước dang trong quá trình dỡ bỏ cấm vận nên họ muốn đẩy dầu ra thế giới để tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, sức cầu trên thế giới lại giảm khi cung quá nhiều, đặc biệt kinh tế Trung Quốc (TQ) đang chậm lại, làm giảm mức tiêu thụ dầu hỏa và mọi khoáng sản khác như đồng, chì đều giảm. Tôi cho rằng năm nay giá dầu sẽ còn xuống và xuống ít nhất 10-20 USD/thùng.

Nên cân nhắc giảm xuất khẩu dầu

. Với việc giá dầu thô liên tục giảm trên thế giới kéo theo đó là chúng ta sẽ bị thâm hụt đi hàng ngàn tỉ đồng/năm làm ngân sách nhà nước. Vậy nếu giảm khai thác sản lượng như ông nói thì điều gì sẽ xảy ra, đâu là vấn đề cần giải quyết của kinh tế VN?

+ Giá xăng dầu giảm ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong ngành kinh tế. Vì mọi thứ đều liên quan từ giao thông, dệt may, nông thủy hải sản… sản phẩm cấu thành chi phí đều liên quan đến giá xăng dầu giảm.

Nhưng phải nói rằng nền kinh tế của VN vừa nhập khẩu vừa xuất khẩu nhiên liệu nên luôn có sự cân bằng giữa ưu điểm và nhược điểm. Ưu điểm khi giá xăng dầu giảm sẽ tác động tích cực trong mọi lĩnh vực… Khi nhiên liệu giảm thì đầu vào cấu thành sản phẩm của DN từ xăng dầu giảm sẽ giúp họ làm ăn tốt hơn, hàng hóa có tính cạnh tranh hơn… và từ đó hàng hóa cũng đem lại nguồn thu chính cho ngân sách.

Tương tự như vậy nếu giá nhiên liệu tăng, tăng thu ngân sách nhà nước nhưng DN sẽ gặp khó khăn khi mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của bất kỳ DN nào cũng liên quan đến xăng dầu… Còn khi giá nhiên liệu tăng thì ta xuất khẩu.

Đây chính là vấn đề cần giải quyết của kinh tế VN. Qua đây cũng thấy rằng việc giá xăng dầu giảm liên tục ảnh hưởng thu ngân sách cho thấy điểm yếu của nền kinh tế lâu nay. Lâu nay VN xem khai thác tài nguyên, buôn bán và xuất khẩu tài nguyên như là một trong các mũi chính của nền kinh tế. Chính vì vậy khi giá nhiên liệu trên thế giới giảm ngay lập tức kinh tế VN chịu tác động.

. Theo ông, giải quyết bài toán này thế nào?

+ Trước mắt, chúng ta nên xem xét giảm sản lượng khai thác dầu khí, chỉ tính đến việc đảm bảo các hợp đồng cung cấp dầu đã ký với các nước, đồng thời khai thác để duy trì và giữ được thị trường xuất khẩu. Tại Mỹ khi giá dầu giảm sâu, nhiều DN khai thác dầu qua đá phiến đã đóng cửa. Tại Hàn Quốc thay vì họ khai thác tài nguyên thì họ đi mua về.

VN cần tính toán nếu chi phí sản xuất dầu nhiều khi cao hơn giá mua vào thì nên giảm khai thác. Tài nguyên với một quốc gia không khai thác thời điểm này thì sẽ được khai thác ở thời điểm khác. Nhưng chúng ta còn sống trên mặt đất này hàng trăm năm nữa chứ nếu khai thác nội thế kỷ này mà chỉ biết dựa vào tài nguyên thì mai mốt sống vào đâu.

. Xin cám ơn ông.

Phải tăng sức mua bằng việc tạo niềm tin vào tiền đồng

Tăng trưởng kinh tế không chỉ lệ thuộc giá dầu, chi phí sản xuất… mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh tế ổn định hay không… Nhưng rõ ràng việc giảm phát làm mất động cơ của sản xuất.

Ví dụ sản xuất cái dù ngày nay bán được 20.000 đồng nhưng năm sau chỉ còn 15.000 đồng thì các DN mất động cơ sản xuất khi hàng tồn kho tăng. Vậy nên muốn đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng ngoài lương bổng là một chuyện, giá cả hợp lý của sản phẩm và phải làm sao cho niềm tin vào tiền đồng tăng.

Thận trọng với nguy cơ lạm phát về âm

Bất cứ thứ gì tăng, không chỉ là giá xăng dầu mà cả giá điện… khi tăng lên các mặt hàng hóa khác đều tăng rất nhanh. Tuy nhiên, khi giá giảm thì bao giờ nhịp giảm cũng chậm hơn so với lúc tăng. Như vậy giá nguyên vật liệu giảm xuống thì giá bán lẻ trên thị trường sẽ từ từ giảm rất chậm. Giống như ngân hàng khi lãi suất cho vay tăng lên thì rất nhanh nhưng khi hạ xuống thì chậm hơn.

Nguyên nhân thứ nhất, điều chỉnh giá lên thì rất nhanh nhưng giảm xuống lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn như phụ thuộc vào độ trễ của việc giá giảm, hay tùy thuộc vào loại hàng. Ví dụ khi giá xăng giảm thì là giảm mặt hàng hóa mới chứ không phải hàng hóa cũ. Trong khi với mỗi nhà kinh doanh dù lớn hay nhỏ đều có trữ lượng hàng hóa nhất định. Nên chỉ khi nào lượng hàng hóa này bằng 0 thì giá giảm mới được điều chỉnh. Hay các mặt hàng hóa khác cũng vậy, cấu thành hàng hóa của sản phẩm có giá xăng cũ. Việc giá nhiên liệu trên thế giới giảm sau đó các mặt hàng hóa khác giảm chậm là hiện tượng thông thường của thị trường.

Nguyên nhân thứ hai, giá xăng thế giới giảm 3% thì không có nghĩa trong nước sẽ giảm ngay 3% vì điều này tác động đến ngân sách quốc gia khi chúng ta xuất khẩu đi. Thế nên Chính phủ tính toán bù trừ bằng cách tăng thuế phần nhập khẩu. Nhưng như thế giá thành bán lẻ cũng không thể xuống nhanh được vì còn một phần mình bù trừ thiếu hụt.

Nguyên nhân thứ ba, kinh doanh đa số đều có tâm lý trục lợi vì họ mong muốn có lời nên khi giá tăng họ tăng rất nhanh, còn giảm thì không phải ai cũng muốn giảm. Ba lý do chính này khiến giá nguyên liệu khi giảm bao giờ các mặt hàng hóa khác cũng giảm rất chậm.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU

 

Theo Yến Trang

Pháp luật TP Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên