Xử phạt Liên Kết Việt từ 15/7, tại sao Bộ Công Thương không đưa ra cảnh báo sớm?
Sau 7 tháng chính thức được cấp phép hoạt động, Công ty Liên Kết Việt đã bị Bộ Công Thương kiểm tra và xử phạt hành chính 570 triệu đồng. Tuy nhiên phải sau nửa năm sau thì công ty đa cấp này mới bị khởi tố khi đã có 60.000 nạn nhân dính bẫy…
- 28-02-2016Liên kết Việt từng bị phạt về vi phạm trong hoạt động đa cấp
- 27-02-2016Lòng tham - Khởi nguồn những tấn bi kịch từ "bão đa cấp" Liên Kết Việt
- 27-02-2016Vụ lừa đảo của Cty Liên Kết Việt: Cơ quan điều tra nói gì?
Trao đổi với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết kinh doanh đa cấp là hoạt đọng được pháp luật thừa nhận và hoàn toàn hợp pháp. Hoạt động này cũng là một trong những điều khoản mà các nước WTO yêu cầu được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Đối với trường hợp của Công ty Liên Kết Việt, được biết ngày 22/12 Công ty này được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chính thức cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, đến tháng 7 thì Cục này đã trực tiếp đi kiểm tra và phát hiện công ty này có một số vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.
Cụ thể như công ty này không thực hiện thủ tục cấp sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng sản phẩm; duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp theo quy định….
“Bộ Công thương và Cục Quản lý cạnh tranh đã xử lý nghiêm khắc và phạt 570 triệu đồng, đây là xử phạt hành chính” – Thứ trưởng Bộ Công Thương thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Hải, ngay sau khi xử phạt thì Bộ Công Thương vẫn tiếp tục theo dõi và sau đó lập đoàn kiểm tra cùng một số cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công An. Theo đó đã phát hiện ra vi phạm và trong thời gian hơn 1 năm kể từ khi Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép hoạt động, vụ việc đã được cơ quan công an khởi tố, điều tra, các đối tượng liên quan bị bắt tạm giam.
Từ vụ việc của Công ty Liên Kết Việt, Thứ trưởng cho rằng mặc dù kinh doanh đa cấp là hoạt động hợp pháp, song các cơ quan chức năng cần phải làm tốt hơn, tăng cường sự phối hợp các bộ ngành và các cấp, để quản lý và kiểm tra về vụ việc.
Nghị định quản lý kinh doanh đa cấp mới được ban hành, song Thứ trưởng cũng cho rằng cần phải rà soát lại xem còn kẽ hở để xử lý và quản lý có hiệu quả.
“Chúng tôi khẳng định Liên Kết Việt có hành vi lừa đảo chứ không phải thực hiện kinh doanh đa cấp mà gây ra việc này. Đây là tội danh mà C46 đã khởi tố thực hiện theo pháp luật” – Thứ trưởng nói.
Tuy nhiên, trước câu hỏi tại sau vụ việc này đã được xử phạt hành chính từ cách đây hơn nửa năm, tại sao Bộ Công Thương không có những cảnh báo để người tham gia có thêm thông tin và tìm hiểu kỹ hơn về công ty này, Thứ trưởng Hải khẳng định không hề có sự chậm trễ và đã phối hợp với cơ quan chức năng, mà trực tiếp là Bộ Công An, kiểm tra và xử lý vụ việc chỉ trong vòng 1 năm sau kể từ khi cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng bày tỏ sự lo lắng đến quyền lợi của các người tham gia. Bởi con số tiền mà các đối tượng nộp cho Công ty này lên tới gần 2000 tỷ đồng, không phải chỉ do Tổng giám đốc Công ty này nắm giữ, mà được chi tiền hoa hồng ở nhiều cấp
“Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan đơn vị chức năng tại các địa phương, phải có vai trò quan trọng. Với số lượng như hiện nay mấy chục nghìn người tham gia, ở nhiều địa phương, tại sao các cơ quan lại không vào cuộc để ngăn ngừa và cảnh báo?
Ngay cả những người khi tham gia vào hoạt động đa cấp phải nhìn rõ hoạt động đa cấp từng mặt hàng nhất định, liệu có bị xâm phạm vào quyền lợi hay không, có hành vi nào vi phạm thì phải thông báo cho cơ quan chức năng” – Thứ trưởng khuyến cáo.