MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Yêu cầu DN chỉ được KD ngành nghề đăng ký đã hạn chế nguyên tắc được Hiến định?

Hiến pháp 2013 hiến định “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Sáng ngày 26/05/2014, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Tiếp sau đó, chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi).

Một nội dung quan trọng được sửa đổi trong Luật kỳ này liên quan đến ngành, nghề và điều kiện kinh doanh.

Theo tờ trình của Chính phủ, cách thức và yêu cầu đăng ký ngành nghề kinh doanh theo mã ngành kinh tế quốc dân đã tạo ra những khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính. Yêu cầu doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành nghề mà được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã hạn chế nguyên tắc được Hiến định “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”, gây thêm phiền hà, tăng thêm rủi ro, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Thêm vào đó, mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; trong đó tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Vì vậy, “Điều 7. Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh” được sửa đổi.

Nhằm thể chế hóa quyền tự do kinh doanh theo Điều 33 Hiến pháp 2013, Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) quy định Chính phủ định kỳ rà soát, công bố công khai danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng được quy định tại Luật, Pháp lệnh và Nghị định (khoản 4 Điều 7).

Ủy ban Kinh tế cho biết, về Điều 7 Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đa số ý kiến đề nghị cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Điều 14 và Điều 33 Hiến pháp về quyền của mọi người tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Hiện nay, trong một số luật đã có quy định về lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thống nhất và minh bạch, cần tập hợp để quy định thành những danh mục cụ thể kèm theo dự án Luật này trên cơ sở xem xét tính hợp lý và khả thi; đồng thời, quy định rõ hơn trong dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) nguyên tắc xác định các ngành, nghề cấm kinh doanh.

Tuy nhiên, một số ý kiến tán thành quy định như dự án Luật về quy định các ngành, nghề và điều kiện kinh doanh tại các luật, pháp lệnh và nghị định điều chỉnh những lĩnh vực cụ thể.

Thực tế sản xuất, kinh doanh và đời sống luôn biến động, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay dẫn đến có nhiều ngành, nghề cần điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh doanh mới.

Theo chương trình, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận các nội dung của Dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi tại tổ vào buổi sáng ngày 28/05/2014 và tại Hội trường ngày 17/06/2014. 

Q. Nguyễn

quynhnn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên