Vì sao ACV được giao đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất?
Theo ACV, doanh nghiệp này đang có khoảng 25.000 tỉ đồng tiền nhàn rỗi gửi trong ngân hàng nên nếu được cho phép có thể vừa đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, vừa xây dựng sân bay Long Thành.
Ngày 8-4, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có thông tin xung quanh chủ trương xin được đầu tư xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ACV, công suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất là 28 triệu hành khách/năm nhưng năm 2018 đã đạt 38,3 triệu khách. Nếu không sớm nâng cấp, mở rộng, cảng hàng không này sẽ "đóng băng" tại giới hạn tiêu chuẩn cho phép.
Trước tình hình đó, Bộ Giao thông Vận tải đã giao ACV lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án T3 bằng nguồn vốn của doanh nghiệp này. Mới đây, bộ cũng có văn bản kiến nghị Thủ tướng giao cho ACV thực hiện dự án.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, cho biết đây là kiến nghị phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn. Cụ thể, Điều 64 Luật Hàng không dân dụng xác định rõ quyền đầu tư của doanh nghiệp cảng đối với hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay. Một số quy định khác cũng nêu rõ, người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng sân bay thuộc phạm vi được giao quản lý.
"ACV là doanh nghiệp đủ năng lực để thực hiện dự án này. ACV cũng là doanh nghiệp cảng, người khai thác cảng theo quy định của pháp luật đối với sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu Chính phủ đồng ý giao ACV thực hiện nhà ga T3, khâu thi công sẽ làm nhanh, làm tốt" – ông Thanh nói.
Dự kiến năm nay sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón 40 triệu lượt hành khách. Ảnh: Linh Anh
Cũng theo lãnh đạo ACV, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ nhà ga T3. Bởi cấu hình khu bay hiện tại chỉ đáp ứng cho lưu lượng khoảng 40-41 triệu hành khách. Nếu không đầu tư xây mới một đường lăn song song, hệ thống đường lăn nối và đường lăn thoát nhanh, mở rộng sân đỗ máy bay theo đúng quy hoạch điều chỉnh sân bay thì dù có xây xong T3 cũng chưa đủ.
Cũng theo lãnh đạo ACV, doanh nghiệp này đang có khoảng 25.000 tỉ đồng tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng. Dự kiến, giai đoạn 2019 - 2025, ACV sẽ có thể tích lũy thêm được nguồn vốn cho đầu tư khoảng 85.000 - 87.000 tỉ đồng, hoàn toàn có khả năng bảo đảm việc đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng hàng không, trong đó có cả sân bay Tân Sơn Nhất và giai đoạn 1 của sân bay Long Thành.
Được biết, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc đồng ý phương án đề xuất của bộ, giao ACV làm chủ đầu tư dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Theo Ủy ban này, sân bay Tân Sơn Nhất là 1 trong 21 cảng đang được giao ACV quản lý, khai thác, cung cấp chuỗi dịch vụ hàng không liên tục từ khu bay, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách. Vì vậy, việc để ACV đầu tư và khai thác thêm 1 nhà ga tại Tân Sơn Nhất không chỉ bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay chỉ có một người khai thác mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền phục vụ với các nhà ga T1, T2 hiện có; tối ưu và nâng cao hiệu quả dự án và các công trình mà ACV đã đầu tư và đang khai thác.
Trong trường hợp ACV được Thủ tướng chấp thuận đầu tư, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ đề nghị ACV thực hiện trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất giao cho ACV dự án Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, bởi phương án này sẽ tạo thuận lợi cho quản lý khai thác vì phải theo luật chơi chung của quốc tế, quy định một cảng hàng không chỉ có một nhà khai thác.
Liên quan đến chủ trương xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất (tổng vốn đầu tư khoảng 11.400 tỉ đồng), Bộ Giao thông Vận tải cũng nhận được đề nghị của Tập đoàn FLC muốn đầu tư nhưng chưa có nghiên cứu cụ thể. Một công ty tư nhân trong nước khác cũng đánh tiếng đề nghị được tham gia đầu tư vào dự án này…
Theo dự báo, lưu lượng hành khách thông qua Tân Sơn Nhất năm 2019 sẽ đạt hơn 40 triệu hành khách, tức đạt ngưỡng cho phép.
Người lao động