MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao bán hàng đa cấp ở nước ngoài tiến bộ, về Việt Nam lại biến tướng?

“Có thể nói bán hàng đa cấp như một cơn bão ác mộng tàn phá nhiều làng quê, làm giảm sút niềm tin của con người với nhau, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội!”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hoà Bình) cho biết tại nghị trường sáng ngày 3/11.

Theo vị đại biểu này, việc kinh doanh đa cấp đang có những tác động xấu lên một bộ phận không nhỏ người dân.

“Báo cáo tình hình kinh tế xã hội đã nêu ra nhiều vụ lừa đảo bán hàng đa cấp, tín dụng đen gây bức xúc trong xã hội. Từ thực tế cho thấy, đằng sau dòng chữ ngắn gọn ấy là những con số, hiện tượng xã hội hết sức đáng ngại. Có thể nói đấy là cơn bão ác mộng tàn phá nhiều làng quê!”, bà Thanh Hải cho biết.

Cũng theo bà, những đối tượng thường được các công ty đa cấp “để mắt” đến là những bà nội trợ, người lao động, người về hưu. Đặc biệt, trong quá trình đi giám sát địa phương, bà đã phát hiện ra thực tế đáng lo ngại khi những người dân trong diện nhận đền bù giải toả của nhà nước để ổn định cuộc sống lại chính là đối tượng bị các công ty này hướng đến để “mở rộng mạng lưới lừa đảo”.

“Theo con số mà Bộ Công thương công bố, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu người tham gia bán hàng đa cấp”, đại biểu Thanh Hải nói. Nghĩa là có hơn 1% người Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới này.

“Kinh doanh đa cấp ở nước ngoài là phương thức tiến bộ, tuy nhiên, khi về Việt Nam lại bị biến tướng!”, bà nói.

Lý giải cho việc này, bà cho biết các công ty đa cấp ở Việt Nam thường không quan tâm đến đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành mà chỉ quan tâm đến quảng cáo, đánh vào tâm lý thích làm giàu của người dân.

“Lợi nhuận của bán hàng đa cấp không đến từ bán sản phẩm mà lại đến từ việc lôi kéo người tham gia vào mạng lưới đa cấp, ví dụ như công ty đa cấp Trường Giang”, bà cho biết.

Theo đó, công ty này nhập khẩu sản phẩm Trường Giang canxium kids là sản phẩm bổ sung canxi cho trẻ em giá chỉ 12.000 đồng nhưng lại rao bán cho người tham gia là 990.000 đồng, chênh lệch giữa giá nhập và giá bán là 82,5 lần. 1 người A tham gia vào mạng lưới phải mua 10 sản phẩm mất 9,9 triệu đồng trong khi thực tế chúng chỉ có giá 120 nghìn đồng. Nếu người này bán hết được 10 sản phẩm thì sẽ nhận được số tiền hoa hồng là 5 triệu đồng còn nếu không bán được thì sẽ không được hoàn tiền. Do đó, dù sau này biết là bị lừa nhưng người A này vẫn phải đi lừa người khác để lấy lại tiền.

Một ví dụ khác được bà Hải nêu ra là công ty Liên Việt. Theo đó, công ty này đã lừa đảo 60 nghìn người, nộp vào công tỷ 1.900 tỷ đồng. “Khoảng 65% số đó được chi cho tiền hoa hồng, riêng TGĐ Liên Việt Lê Xuân Giang thu lợi 500 tỷ đồng”, bà nói.

Mặt khác, theo bà, một phần nguyên nhân của “nạn” đa cấp là bởi hành lang pháp lý của Việt Nam chưa đủ mạnh, chưa theo kịp các mô hình biến tướng phức tạp của đa cấp, quản lý Nhà nước lại chồng chéo, lỏng lẻo...

Do đó, bà đề nghị Chính phủ sẽ quan tâm hơn vấn đề này, rà soát các văn bản pháp luật để có phương hướng hành động, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân biết để phòng tránh.

“Như tôi đã nói ở trên, rất có thể 4 tỉnh miền Trung mới được đền bù vì sự cố Formosa vừa qua có thể là địa bàn mà các công ty đa cấp này hướng tới!”, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cảnh báo.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên