MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao bất chấp trừng phạt, dầu mỏ Nga vẫn chảy vào châu Âu?

03-08-2024 - 08:03 AM | Thị trường

EU đã cấm vận chuyển dầu thô Nga bằng đường biển từ tháng 12/2022. Tuy nhiên, liên minh này vẫn cho phép "ngoại lệ tạm thời" với việc nhập khẩu dầu thô bằng đường ống "vào các nước thành viên châu Âu do vị trí địa lý của họ, với sự phụ thuộc nhất định vào nguồn cung từ Nga và chưa có lựa chọn thay thế khả thi".

Trong 2 năm rưỡi kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, những câu hỏi về dầu mỏ và khí đốt Nga chảy vào EU chưa bao giờ hết nóng. Theo đó, diễn biến mới đây liên quan đến quyết định của Ukraine khi đặt công ty dầu mỏ Nga Lukoil vào danh sách trừng phạt , buộc công ty này dừng cung cấp dầu thô bằng đường ống qua lãnh thổ Ukraine để tới một số nước EU.

Vào cuối tháng 6, Kiev áp trừng phạt lên Lukoil, trực tiếp ngăn cản công ty này sử dụng Ukraine như một quốc gia trung chuyển để cung cấp dầu thô tới các quốc gia khác.

Vì sao bất chấp trừng phạt, dầu mỏ Nga vẫn chảy vào châu Âu?- Ảnh 1.

Đường ống Druzhba vận chuyển dầu mỏ Nga tới châu Âu trong hàng thập kỷ. Ảnh: ITAR-TASS/IMAGO

Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc vẫn nhận được dầu thô Nga qua nhánh phía Nam của đường ống Druzhba, chạy qua Ukraine từ Lukoil và các nhà cung cấp khác. Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) nhận định với DW rằng 3 nước này đã nhập khẩu 2,6 tỷ euro (2,8 tỷ USD) dầu thô từ Nga trong 6 tháng đầu năm 2024.

Hungary và Slovakia là những nước phụ thuộc nhiều nhất vào các nguồn cung này. Họ đã phản ứng giận dữ trước động thái của Kiev và tuần trước yêu cầu Ủy ban châu Âu chính thức dàn xếp với Ukraine về vấn đề này.

Một người phát ngôn Ủy ban châu Âu nói với DW rằng: "Ủy ban hiện đang tập hợp các thông tin chi tiết về việc liệu các biện pháp của Ukraine có tác động đến nguồn cung dầu thô của Hungary và Slovakia không, nếu có thì bằng cách nào. Ủy ban đã giải quyết các câu hỏi chi tiết cho Slovakia và Hungary để thiết lập một phân tích đầy đủ cũng như đã liên hệ với chính quyền Ukraine".

Người phát ngôn này nói thêm rằng: “Những câu hỏi trên liên quan đến khối lượng vận chuyển dầu hiện tại, các pháp nhân vận chuyển dầu qua Ukraine và các hợp đồng đã ký, cùng với khả năng có các tuyến cung cấp thay thế cũng như chi phí của nó”.

Hungary phụ thuộc vào Nga khoảng 70% nhập khẩu dầu trong đó Lukoil chiếm một nửa con số này.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, các biện pháp của Ukraine đe dọa đến an ninh năng lượng của Hungagry trong khi các chuyên gia năng lượng cho biết nếu không tìm ra giải pháp, nước này có thể đối mặt với giá điện tăng vọt và tình trạng cắt điện trong vài tuần nữa.

Dòng chảy dầu mỏ từ Nga đến châu Âu đã giảm?

Nhập khẩu dầu mỏ của Hungary đã giảm kể từ sau động thái của Ukraine. Vaibhav Raghunandan - một nhà phân tích của CREA nhận định với DW rằng theo dữ liệu sẵn có tới ngày 20/7: "lượng nhập khẩu đã giảm 1/3 so với tháng 6".

Những công ty khác của Nga, cũng cung cấp dầu mỏ qua đường ống này gồm Rosneft và Tatneft, chưa bị trừng phạt, vì thế vẫn có thể vận chuyển dầu qua Druzhba.

Tại sao một số nước châu Âu vẫn nhận được dầu mỏ Nga?

EU đã cấm vận chuyển dầu thô Nga bằng đường biển từ tháng 12/2022. Tuy nhiên, EU cho phép điều mà liên minh này gọi là "ngoại lệ tạm thời" với việc nhập khẩu dầu thô bằng đường ống "vào các nước thành viên châu Âu do vị trí địa lý của họ, với sự phụ thuộc nhất định vào nguồn cung từ Nga và chưa có lựa chọn thay thế khả thi". Những quốc gia này chính là Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc.

Bất chấp việc EU kêu gọi các quốc gia tìm kiếm nguồn cung thay thế, lượng dầu thô Nga qua đường ống mà các nước châu Âu nhận được đã tăng 2% từ nửa đầu năm 2021. Nhà quan sát Raghunandan nhận định điều này là do Hungary, quốc gia đã tăng nhập khẩu dầu thô Nga lên 56% kể từ năm 2021.

"Thay vì giảm dần sự phụ thuộc vào dầu thô Nga như lệnh hạn chế, rõ ràng Hungary thực sự tăng cường điều đó", chuyên gia này nhận định với DW.

Tuy nhiên, tổng nhập khẩu dầu thô Nga của EU đã giảm 90% kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Vì sao bất chấp trừng phạt, dầu mỏ Nga vẫn chảy vào châu Âu?- Ảnh 2.

Tình hình nhập khẩu khí đốt từ Nga

Do khí đốt của Nga chưa bao giờ bị EU chính thức trừng phạt nên từ lâu, nó đã đặt ra một thách thức khác. Các quốc gia thành viên EU nhập khẩu 11 tỷ euro dầu mỏ và khí đốt Nga trong nửa đầu năm 2024 với 3,6 tỷ euro là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và 4,8 tỷ euro đến từ khí tự nhiên qua đường ống. Điều đó tức là khí đốt hiện chiếm khoảng 76% lượng hydrocarbon của Nga vẫn được đưa vào EU.

EU đã giảm đáng kể lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, từ khoảng 40% nguồn cung vào năm 2021 xuống 15% vào năm 2024. Tuy nhiên, theo CREA, một số nước thành viên EU như Áo, Hungary và Slovakia vẫn phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga qua tuyến trung chuyển Ukraine.

Các quốc gia EU khác như Hà Lan, Tây Ban Nha và Pháp cũng nhập khẩu số lượng LNG đáng kể của Nga. Tuy nhiên, phần lớn lượng LNG này thậm chí không được thị trường châu Âu cần đến và đang được xử lý tại các cảng châu Âu trước khi tái xuất khẩu sang các nước thứ ba trên thế giới, nhờ đó mà một số quốc gia và công ty châu Âu được hưởng lợi.

Theo CREA, 21% LNG của Nga mà EU nhập khẩu được tái xuất khẩu ra thế giới, một quá trình được gọi là vận chuyển trung chuyển. EU tiếp tục khuyến khích mạnh mẽ các nước thành viên giảm mua khí đốt Nga dù là qua đường ống hay LNG. Tuy nhiên, lệnh cấm vận vẫn chưa nằm trong bất kỳ gói trừng phạt nào của EU.

Động thái tiếp theo của châu Âu

Động thái tiếp theo có thể đến từ Brussels. Hungary và Slovakia muốn EU mở các cuộc tham vấn với Kiev về các điều khoản trong thỏa thuận thương mại của Ukraine với EU.

Tuy nhiên, quan điểm mà EU tuyên bố là cần thêm thời gian để điều tra và xem xét yêu cầu cũng như tình hình pháp lý xung quanh yêu cầu này, được cho là đã được các quốc gia thành viên ủng hộ mạnh mẽ, trong khi cho đến nay có rất ít sự ủng hộ dành cho Budapest hoặc Bratislava.

Ukraine có thể tiến xa hơn bằng cách hạn chế lượng dầu qua đường ống Druzhba, cụ thể là lượng dầu của các công ty Nga khác vận chuyển hydrocarbon. Hungary dường như là bên chịu tổn thất nhiều nhất do nước này ngày càng phụ thuộc vào dầu mỏ Nga kể từ khi xung đột nổ ra.

Lập trường vững chắc của Ukraine đối với Lukoil có thể chỉ là bước khởi đầu cho những động thái trực tiếp nhằm giải quyết các khoản thu từ dầu khí của Nga.

Chuyên gia Raghunandan của CREA chỉ ra rằng hợp đồng trung chuyển khí đốt qua đường ống Nga của Ukraine sẽ hết hạn vào tháng 12/2024 mà không có kế hoạch gia hạn.

"Do đó, khí đốt qua đường ống của Nga sẽ ngừng chảy vào châu Âu qua Ukraine bắt đầu từ tháng 1/2025", ông nói.

Điều đó có nghĩa là tình hình có thể sẽ leo thang trong những tháng tới.

Áo, Hungary và Slovakia vẫn phụ thuộc nhiều vào tuyến vận chuyển khí đốt này. Dù vậy, Hungary vẫn tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga thông qua đường ống TurkStream ở phía Nam. Dòng chảy năng lượng dự kiến sẽ tiếp tục đi theo tuyến vận chuyển đó, vốn không đi qua lãnh thổ Ukraine.

Theo Kiều Anh

VOV

Trở lên trên